Mỹ kiểm soát chặt dòng tiền đầu tư của Trung Quốc

Các quan chức Nhà Trắng và một nhóm nhà lập pháp đang đẩy mạnh những biện pháp mới nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida (Mỹ)

Trong suốt quá trình tranh cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích tác động từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với Mỹ, đặc biệt là các chính sách thương mại thiếu công bằng và phương thức tiếp cận đồng tiền của Đại lục. Tuy nhiên, phải hơn nửa năm sau khi lên nắm quyền, chính quyền Trump mới đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự đầu tư ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Theo The New York Times, bất kỳ đạo luật nào cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc tranh luận và quá trình xem xét lại của Quốc hội. Nhưng phần lớn quan chức Washington hoạt động trong lĩnh vực thương mại và an ninh quốc gia, trong đó có cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, đều cho biết họ sẽ ủng hộ Mỹ tiến hành biện pháp thắt chặt đối với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc.

Sự thúc đẩy này sẽ góp phần mở rộng quyền hạn của một cơ quan quan trọng nhưng vốn ít được biết đến, đó là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), trong việc ngăn chặn hiệu quả hơn các giao dịch nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia. Cụ thể, CFIUS có thể định hình lại cách các công ty lớn nhỏ của Mỹ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp về công nghệ, kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư Đại lục.

“Chúng tôi sẽ cố gắng cho phép CFIUS có biện pháp cứng rắn hơn đối với các khoản đầu tư phát sinh từ những nước có khả năng tạo ra nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia thông qua các giao dịch kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến”, John Cornyn, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Texas (Mỹ), nói về quyết định đề xuất luật pháp.

Mặc dù chính quyền Trump chưa đưa ra thông báo chính thức, nhưng các chuyên gia thương mại đang theo dõi cách mà giới cầm quyền sẽ xử lý trước hàng loạt hợp đồng đang chờ được giải quyết. Đầu tiên là đề nghị mua lại MoneyGram, công ty chuyển tiền có trụ sở tại Dallas (Mỹ), với giá 1,2 tỉ USD từ Ant Financial, chi nhánh thanh toán điện tử của “đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Thương vụ này đang khiến các nhà lập pháp tại bang Texas lo ngại, vì nếu việc mua lại thành công, nhiều nguy cơ thông tin tài chính cá nhân của người tiêu dùng Mỹ sẽ bị tiết lộ. Thứ hai là một khoản cho vay trị giá 1,3 tỉ USD được Đại lục hỗ trợ cho Lattice Semeconductor nhằm tạo ra các loại chip viễn thông tiên tiến.

Theo nghiên cứu của Rhodium Group, đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2016 đã tăng gấp ba lần, lên đến 46 tỉ USD so với năm trước đó. Các doanh nghiệp nước này trong những năm gần đây cũng nỗ lực đặc biệt để mua lại nhiều tòa nhà, rạp chiếu phim mang tính biểu tượng của Mỹ.

Song, có lẽ Bắc Kinh cũng phần nào lường trước được bước đi của Washington, nên các công ty được chính phủ hỗ trợ đã tìm cách tạo ra mô hình liên doanh khiến CFIUS phải vất cả kiểm soát. “Trung Quốc đang sử dụng những lỗ hổng tiềm ẩn trong cấu trúc tài chính để tránh sự giám sát của CFIUS”, Andrew Shapiro, nhà sáng lập công ty tư vấn Beacon Global Strategies kiêm cựu trợ lý về các vấn đề quân sự chính trị tại Mỹ, cho biết.

Không rõ chính phủ Đại lục sẽ phản ứng thế nào đối với các lệnh điều chỉnh mới, nhưng động thái này chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng giữa hai nước. Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Lục Khảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng: “Không nên có những chiều hướng chính trị quá mức can thiệp vào việc tiếp quản thương mại. Hãy để chính trị tự giải quyết các vấn đề của chính trị”.

Xiaohe Cheng, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói thêm rằng một số quyết định gần đây của CFIUS đã cho thấy sự “phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc”.

Đáp trả lại, các quan chức Mỹ cho rằng không chỉ có Mỹ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng thường phàn nàn về môi trường hoạt động không công bằng ở Trung Quốc, và bây giờ Mỹ chỉ bắt đầu tìm kiếm cái mà họ gọi là “có đi có lại” với những giới hạn công bằng.

“Thực tế là các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc không được làm những điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc được phép làm tại Mỹ. Điều này không công bằng và chúng ta cần phải làm gì đó”, James Lewis, chuyên gia cố vấn kiêm phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, nói.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/my-kiem-soat-chat-dong-tien-dau-tu-cua-trung-quoc-852042.html