Mỹ lại 'một mình một giọng' ở hội nghị môi trường?

Ngày 11/6, AFP đưa tin trưởng đàm phán các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu nhóm G7 đã họp tại thành phố Bologna (Ý). Chính quyền Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục một mình chống lại số đông.

1 chọi 6

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/6, được chờ đợi sẽ đưa ra thông cáo chung sau khi kết thúc hội nghị. AFP cho biết ngoài trưởng đàm phán vấn đề môi trường các nước G7, gồm: Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Pháp và Mỹ, hội nghị lần này còn có sự tham gia của Chile, Maldives, Ethiopia và Rwanda. Đây là những nước có lợi ích đặc biệt liên quan trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump vì rút khỏi thỏa thuận Paris

Sau hội nghị G7 diễn ra hồi tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, ký năm 2015. Lý do ông Trump đưa ra, các điều khoản của thỏa thuận Paris không công bằng, ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ trong khi lại quá hào phóng đối với các nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Phản ứng của Mỹ khiến cho rốt cuộc hội nghị đã không đưa ra được một hướng dẫn chung, bất chấp việc nhóm 6 nước còn lại khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy năng lượng xanh và năng lượng tái tạo.

Trước phiên hội đàm tại Bologna lần này, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Koichi Yanamoto đã lên tiếng kêu gọi các bên chọn cách tiếp cận vấn đề mang tính xây dựng hơn. Ông Yanamoto đồng thời cho biết, sẽ thuyết phục Washington thay đổi thái độ. Bộ trưởng Môi trường Ý Gian Luca Galletti thì nhẹ nhàng nhưng đầy ý tứ nhắc rằng, G7 đang lãnh trách nhiệm lớn bởi “thế giới đang chờ đợi thông điệp của chúng ta”.

Tuy nhiên, AFP dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định, khả năng ông Trump thay đổi quan điểm là khá thấp. Việc Tổng thống Trump quyết định cử Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Scott Pruitt làm trưởng đoàn tham dự hội nghị Bologna là một chỉ dấu xấu. Ông Scott Pruitt là người có quan điểm chống thỏa thuận khí hậu Paris rất mạnh mẽ. Hồi tháng Tư vừa qua, ông Pruitt chính là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ kêu gọi rút khỏi thỏa thuận Paris.

Mỹ có thể bị cô lập

Thực tế là tại hội nghị G7 hồi tháng trước, bộ sậu của Tổng thống Trump đã nếm trải cảnh một mình 1 bên, với bên kia là nhóm toàn bộ các quốc gia còn lại. Tình cảnh này có thể tiếp tục tái diễn, với áp lực cao hơn.

AFP cho biết cùng thời điểm hội nghị G7 diễn ra ở Bologna, một nhóm các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng tổ chức biểu tình phản đối ông Trump. “Chúng tôi chờ đợi một kết quả tốt. Rất nhiều người đã rầu lòng vì quyết định của ông Trump, là cần tiến hành cuộc đàm phán mới”-Giacomo Cossu, một thành viên tổ chức cuộc biểu tình nói.

Tờ Der Spiegel của Đức trước đó dẫn nguồn thân cận với Thủ tướng Angela Merkel tiết lộ, hội nghị G20 tại thành phố Hamburg tháng tới đã soạn một sự thảo trong đó khẳng định sự tái cam kết đối với thỏa thuận Paris. Der Spiegel cho hay mục tiêu của nó là nhằm “cô lập” Mỹ.

Một diễn tiến khác cũng có thể tác động tới quyết sách, hoặc chí ít là thái độ của phái đoàn Mỹ tại Bologna. Trước hội nghị lần này, Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks đã có cuộc làm việc với Thống đốc California Jerry Browns và đôi bên đã nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo thỏa thuận Paris có thể triển khai. Theo bà Barbara, một tín hiệu rất quan trọng là nhiều thành phố, bang của Mỹ vẫn ủng hộ thỏa thuận Paris. California đã “đi vòng” qua Washington để đồng ý dự án nghiên cứu năng lượng sạch với Trung Quốc. DW cho biết trong chuyến công du Trung Quốc song song mới đây, bà Brown đã gặp trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry chỉ được Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ tiếp.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/my-lai-mot-minh-mot-giong-o-hoi-nghi-moi-truong-post195975.html