Mỹ mất kiên nhẫn, ra 'tối hậu thư' với Nga về Syria

Tờ Washington Post cho biết Mỹ đã hết kiên nhẫn và gửi tới Nga "tối hậu thư" về vấn đề Syria.

Chính quyền Tổng tống Obama nói với Nga rằng Mỹ đã hết kiên nhẫn trong việc dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria cùng với đề xuất về liên minh chống khủng bố Nga – Mỹ, và rằng Washington chờ đợi một quyết định từ Moscow trong những ngày tới.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama gặp mặt tại Hàng Châu, Trung Quốc trong tuần qua. (Ảnh: Sputnik)

Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Mỹ đã đưa một “bản đề xuất cuối cùng” cho Nga cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 5/9 tại Trung Quốc.

Bộ Ngoai giao Nga tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào ngày 8-9/9. Bộ Ngoại giao Mỹ dù công nhận rằng hai phía đã hội đàm qua điện thoại vào sáng ngày 7/9 nhưng từ chối xác nhận về cuộc gặp trên.

“Chúng tôi sẽ không tham gia một thỏa thuận không đáp ứng được những mục tiêu căn bản của mình”, Benjamin Rhodes, phó cố vấn an ninh của ông Obama nói hôm 6/9 khi ông Obama đang ở Lào. “Và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm biết rằng liệu những khoảng trống có thể được lấp đầy hay không”.

Bằng việc từ chối xác nhận cuộc gặp giữa ông Kerry và Lavrov, quan chức Mỹ cho thấy rằng họ không thấy mục đích của một phiên đàm phán khác nếu Nga không thay đổi lập trường. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng ông Lavrov đã thể hiện “sự phẫn nộ” đối với ông Kerry trong cuộc trò chuyện qua điện thoại về việc Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt thêm trừng phạt với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine.

“Tối hậu thư” của Mỹ kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc nội chiến Syria ở khu vực thành phố Aleppo và đảm bảo an toàn cho các hoạt động viện trợ nhân đạo. Nếu thỏa thuận trên có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định thì lực lượng không quân Syria sẽ tạm dừng các cuộc tấn công. Sau đó Mỹ và Nga sẽ cùng bắt đầu một chiến dịch không kích chống các mục tiêu khủng bố.

Những điểm chính trong thỏa thuận trên đã được thông qua nhiều tuần trước, nhưng quan chức Mỹ cáo buộc Nga đã can thiệp vào một số yếu tố, gồm thời gian ngừng bắn trước khi những khía cạnh khác trong thỏa thuận bắt đầu.

Trong cuộc gặp giữa ông Obama và Putin, và phiên họp giữa ông Kerry và Lavrov, được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, một quan chức Mỹ cho biết trong khi phía Nga nói rằng muốn bàn thảo lại một số vấn đề từ những cuộc gặp trước thì Washington lại không muốn điều đó.

Quan chức này nói: “Aleppo là vấn đề lớn của cuộc đàm phán. Nhưng chúng tôi đang cố gắng nhìn vấn đề một cách toàn diện bởi nhiều cộng đồng người đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến. Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian các bên bình tĩnh lại bởi cuộc hội thoại đã diễn ra quá lâu, và bởi vì những lời hứa không được thực hiện, chúng tôi đang tìm cách để tiếp cận toàn diện. Đây không phải chỉ là một thỏa thuận ngắn hạn”.

Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ Mỹ sẽ làm gì nếu thỏa thuận với Nga không được thông qua. Khi nói rằng cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq là ưu tiên hàng đầu, ông Obama đã phải miễn cưỡng bao hàm trực tiếp quân đội Mỹ vào cuộc chiến Syria, sau khi cung cấp vũ trang và những hỗ trợ khác cho các lực lượng đối lập ôn hòa.

Trong một lá thư được gửi đi từ tuần trước, Michael Ratney, liên lạc viên của Bộ Ngoại giao Mỹ với phe đối lập, đã đưa ra đề xuất về tiến trình thỏa thuận ngừng bắn. Đề xuất này kêu gọi “chấm dứt hoàn toàn những hoạt động quân sự” ở phía tây nam Aleppo và đảm bảo lối vào cho các đoàn cứu trợ của Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, những trạm kiểm tra sẽ được thiết lập ở đường Castello, lối vào chính ở phía bắc thành phố mà lực lượng chính phủ Syria đã tái kiểm soát từ tháng trước. Sau đó, “khu vực phi quân sự” sẽ được thiết lập ở đường Castello sau khi lực lượng chính phủ rút toàn bộ phương tiện và vũ khí hạng nặng tại đây. Những trạm kiểm tra tương tự sẽ được thiết lập ở phía nam.

Hôm 7/9, lãnh đạo chính trị của phe đối lập đã tuyên bố về tầm nhìn cho tương lai Syria và một lộ trình cho quá trình chuyển tiếp chế độ từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phù hợp với những quan điểm trước đó của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận về mặt ngoại giao giữa Mỹ và Nga về cách kết thúc cuộc chiến thì khó có thể tái thiết các cuộc đàm phán chính trị.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-mat-kien-nhan-ra-toi-hau-thu-voi-nga-ve-syria-a257555.html