Mỹ mòn mỏi tìm Philippines thời chưa có Duterte?

Tổng thống Philippines ý định rút quân đội Mỹ khỏi một hòn đảo bất ổn ở miền Nam do lo ngại khủng bố sẽ khiến Washington hốt hoảng.

Hôm thứ hai 12/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi quân đội Mỹ rút khỏi một hòn đảo bất ổn ở phía nam nước này do lo sợ sự hiện diện của lực lượng này sẽ làm loạn cuộc tấn công chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Theo ông Duterte, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang làm nhiệm vụ đào tạo cho binh lính Philippines có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công có giá trị cao đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo có liên kết với Abu Sayyaf – quân nổi dậy ở Philippines.

“Lực lượng đặc biệt này phải rút đi”, Duterte phát biểu trong một buổi lễ tuyên thệ của các tân quan chức, “Tôi không muốn có rạn nứt với phía Mỹ. Tuy nhiên, họ phải đi”.

Ông Duterte đang muốn cắt đứt với Mỹ?

Ông nói thêm: "Người Mỹ, chúng (phiến quân nổi loạn) sẽ giết họ, chúng sẽ cố gắng bắt cóc họ để có được tiền chuộc".

Tuyên bố này của vị Tổng thống Philippines- từng là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương đã thực sự gây sốc hơn tất cả những gì trước đây ông từng phát ngôn.

Không rõ ý đồ chiến lược này đã được ông Duterte suy tính kỹ trước khi tuyên bố hay không song rõ ràng nó đang đi ngược lại những thiện chí lâu nay mà Washington gây dựng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Kể từ khi nhậm chức, ông Duterte luôn muốn có một chính sách đối ngoại độc lập. Ông nói mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ rất quan trọng, nhưng lại thường xuyên cáo buộc đất nước cựu thực dân đạo đức giả khi chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông.

Philippines của "hồi thân Mỹ"

Cũng phải nhắc lại, Mỹ và Philippines đã có suốt 7 thập kỷ quan hệ song phương.

Sau khi chiếm đóng Philippines trong gần 5 thập kỷ, Mỹ đã trao trả độc lập cho Philippines vào năm 1946. Đây cũng là năm đánh dấu cho sự khởi đầu của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt đầu tiên được ký kết chưa đầy một năm sau đó. Đó chính là Hiệp định Căn cứ Quân sự vào năm 1947, cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở Philippines. Theo đó, Washington đã thiết lập hai căn cứ ở Clark và Subic.

Hai bên cũng ký Hiệp ước Phòng thủ chung vào năm 1951. Theo hiệp ước này, Philippines và Mỹ sẽ cùng phản ứng trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Nhưng Hiến pháp Philippines thay đổi vào năm 1987 lại có điều khoản cấm binh sĩ và căn cứ của nước ngoài đặt tại Philippines.

Sau khi Hiệp định Căn cứ Quân sự 1947 giữa Philippines và Mỹ bị hết hạn vào năm 1991, các căn cứ quân sự, binh sĩ nước ngoài không được phép hiện diện tại Philippines nữa. Hơn nữa, Thượng viện Philippines cũng bác bỏ việc phê chuẩn hiệp ước gia hạn cho Mỹ thuê hai căn cứ Subic và Clark.

Đến tháng 12/1991, Tổng thống Corazon Aquino của Philippines chính thức buộc quân đội Mỹ phải rời khỏi Philippines, đóng cửa hai căn cứ Subic và Clark. Những nhóm phản đối cho rằng, các căn cứ trên đe dọa chủ quyền của đất nước và gây ra tệ nạn mại dâm.

Tuy nhiên, đến năm 1999, Mỹ và Philippines đã ký Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Philippines-United States Visiting Agreement) có hiệu lực từ ngày 27/5 năm đó, cho phép quân đội hai nước thăm viếng nhau. Thỏa thuận ra đời do những nỗ lực của Mỹ với mong muốn cho quân đội nước này hiện diện thường xuyên ở Philippines.

Đến ngày 28/4/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, và Đại sứ Mỹ ở Manila Philip Goldberg, đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) tại một căn cứ quân sự, chỉ vài giờ trước khi Tổng Thống Obama có chuyến công du hai ngày tới Manila.

Với thỏa thuận EDCA, Washington muốn chứng minh rằng người Mỹ đã đến Philippines một cách hợp pháp. Theo EDCA, quân đội Mỹ được luân phiên hiện diện rộng lớn hơn trên lãnh thổ Philippines. Thời hạn thỏa thuận là 10 năm với điều kiện Mỹ không được lập căn cứ lâu dài và cũng không có quyền đưa vũ khí hạt nhân đến Philippines.

Thỏa thuận không nêu rõ số lượng binh sĩ Mỹ được phép hiện diện ở Philippines và cũng không xác định căn cứ nào quân đội Mỹ có thể đóng quân. Cũng theo thỏa thuận EDCA, Philippines và Mỹ sẽ thực hiện nhiều cuộc tập trận chung hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Manila.

Tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65) của Mỹ tại vịnh Subuic năm 1993. Ảnh Hải quân Mỹ

Chưa kể, mối quan hệ mật thiết giữa Washington và Manila còn là những khoản viện trợ tài chính khổng lồ.

Philippines đã trở thành một trong những quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.

Manila đã nhận hơn 5 tỷ USD tiền viện trợ từ Mỹ trong 30 năm qua. Đặc biệt, chính phủ Mỹ đã giúp Philippines phục hồi sau siêu bão Hải Yến hồi năm 2013 với số tiền hỗ trợ lên đến 144 triệu USD.

Trong khi đó, theo Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg, viện trợ quân sự Mỹ dành cho Philippines lên tới 66 triệu USD vào năm 2015.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-mon-moi-tim-philippines-thoi-chua-co-duterte-3318574/