Mỹ muốn một nước Pháp sen đầm

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp Francois Hollande đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi cách thức mà nước Mỹ tiếp đón vị khách này khiến người ta ngỡ ngàng. Chưa bao giờ quan hệ đồng minh giữa Pháp và Mỹ lại gần gũi với nhau như hiện nay.

Tổng thống Obama và Tổng thống Hollande không có quan hệ cá nhân thắm thiết, nhưng dù thế, Tổng thống Pháp đã được người bạn Mỹ tiếp đón ân cần trên mức cần thiết.

Ngay khi đặt chân xuống đất Mỹ trong chuyến thăm 3 ngày (từ ngày 10 đến ngày 12/2), Tổng thống Hollande đã được đích thân Tổng thống Obama ra tận sân bay căn cứ không quân Andrews ở Maryland tiếp đón. Sau đó, hai người cùng bay đi Charlotteville, Virginia để tới thăm căn nhà của cố Tổng thống Thomas Jefferson.

Ông Obama có lẽ thấy rằng, không nơi nào mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị Pháp - Mỹ từ hai thế kỷ bằng tư dinh của vị tổng thống thân Pháp nhất trong lịch sử Mỹ. Jefferson là vị Tổng thống thứ ba của Mỹ. Đối với ông, Pháp chính là quốc gia thân hữu đã giúp Mỹ thoát khỏi “gông cùm” của Vương quốc Anh. Ông cũng đã có nhiều năm ở Pháp với sứ mạng thương thuyết về thương mại với Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Jefferson đã dựa trên những bài viết của những nhà triết học Pháp để viết bản Hiến pháp Mỹ.

Trở lại Washington, Tổng thống Francois Hollande là quốc khách trong chuyến thăm Mỹ lần này và được tiếp đón với đầy đủ nghi thức long trọng từ duyệt đội quân danh dự, 21 phát đại bác bắn chào cho đến bữa tiệc quốc yến vào tối 11/2 với hơn 300 quan khách tham dự.

Chưa bao giờ Tổng thống Obama bày tỏ tình cảm hay quan tâm đặc biệt đến Pháp và châu Âu nói chung: trong 4 lần đến Pháp từ lúc giữ chiếc ghế Tổng thống Mỹ, ông Obama luôn đi rất ngắn và luôn trong khuôn khổ các hội nghị đa phương (G20, Thượng đỉnh NATO).

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) được Tổng thống Mỹ tiếp đón theo lễ nghi cấp nhà nước.

Để thể hiện rõ hơn nữa quyết tâm hòa dịu giữa hai quốc gia đồng minh lâu đời, lần đầu tiên kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã ký chung với Tổng thống Hollande một bài viết đăng trên hai tờ nhật báo có uy tín của Mỹ và Pháp là Washington Post và Le Monde. Trong bài viết này, hai vị nguyên thủ quốc gia trình bày những trục hợp tác giữa hai nước trong các hồ sơ hạt nhân Iran, an ninh ở châu Phi hay hợp tác kinh tế.

Có lẽ Pháp và Mỹ như chưa bao giờ có vẻ hợp rơ như vào lúc này. Muốn hiểu rõ điều này, cần phải điểm lại quá trình bang giao song phương trong 10 năm gần đây. Giữa cựu Tổng thống Jacques Chirac và đương kim Tổng thống Francois Hollande, có một sự khác biệt rõ rệt giữa người đã tẩy chay cuộc chiến tại Iraq, và người đã tán đồng cuộc chiến tại Syria.

Trên hồ sơ Syria hay Iran, nước Pháp của Francois Hollande thậm chí còn có quan điểm cứng rắn hơn cả Mỹ. Đấy chính là yếu tố mà Barack Obama muốn ca ngợi khi dành cho ông Hollande một cuộc đón tiếp trọng thể cấp Nhà nước, và nói về vai trò của nước Pháp tại các vùng thuộc địa cũ của mình ở Mali hay Trung Phi.

Vào lúc nước Mỹ đang trong chiều hướng giảm bớt các hành động can thiệp của mình, nước Pháp đang cố bác bỏ luận điểm cho rằng mình đang trở lại làm "sen đầm" ở châu Phi. Nhưng đấy lại chính là vai trò mà Mỹ muốn Pháp giữ lấy.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân trong việc đón tiếp long trọng này. Đó là ông Obama và êkíp của ông đã thấy tầm quan trọng việc duy trì quan hệ với châu Âu và Pháp trước tình hình lộn xộn của thế giới. Hơn nữa, Tổng thống Pháp sẽ là một đồng minh rất có ích. Vào tháng 3 tới đây, Tổng thống Mỹ lần đầu tiên sẽ đến Bruxelles trong cuộc họp Thượng đỉnh với Liên minh châu Âu, và sẽ phải đối mặt với những hồ sơ gai góc: các vụ nghe trộm của tình báo Mỹ, Hiệp định tự do mậu dịch Mỹ - Liên minh châu Âu, Ukraina...

Nội dung chính của các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Obama và người đồng nhiệm Pháp bao gồm vấn đề thương thuyết về hạt nhân của Iran, Syria, những nỗ lực chống khủng bố tại châu Phi, thương mại, các vấn đề kinh tế và khí hậu biến đổi.

Về phía Tổng thống Hollande, chuyến thăm Mỹ của ông là cơ hội để phục hồi uy tín của nền kinh tế Pháp ở Mỹ, với việc gặp gỡ rất nhiều chủ tập đoàn hàng đầu của Mỹ. Ngày 12/2, ông Hollande dừng chân vài tiếng đồng hồ tại khu Silicon Valley ở San Francisco để gặp các chủ tập đoàn Internet của Mỹ. Cụ thể, Tổng thống Pháp gặp lãnh đạo các tập đoàn Google, Facebook, Twitter và Mozilla Foundation để trình bày về những cải tổ cơ cấu mà ông tiến hành để nâng cao sức cạnh tranh của nước Pháp và qua đó thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ.

Đây cũng là chuyến thăm cứu cánh cho uy tín của Tổng thống Hollande. Đắc cử tháng 5/2012 sau khi đánh bại đương kim Tổng thống Nicholas Sarkozy, ông Francois Hollande, một lãnh đạo đảng Xã hội, không ngần ngại đưa quân đội Pháp can thiệp vào Mali, Cộng hòa Trung Phi và đạt một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Pháp. Nhưng hiện nay uy tín của ông Hollande đang xuống rất thấp, mức tín nhiệm của dân chúng dưới 20%, vì những chính sách kinh tế và xã hội quốc nội chưa đáp ứng được với tình trạng khó khăn chung ở châu Âu.

Hai thập niên trước, khó mường tượng là giữa Pháp và Mỹ sẽ có sự cộng tác mật thiết sau nhiều năm có nhiều quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề. Nhưng ngày nay sự hợp tác đã là một thực thể và hy vọng sẽ còn được phát triển thêm nữa.

Tại cuộc họp báo chung ngày 11/2, Tổng thống Obama ca ngợi tình đồng minh giữa Pháp và Mỹ "chưa bao giờ mạnh mẽ hơn", ông mô tả quan hệ giữa hai nước đã vững chắc hơn nhiều, so với cách đây 20 năm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hautruong/2014/3/82603.cand