'Mỹ nhân kế' chưa bao giờ lỗi thời trong tình báo hiện đại

Câu chuyện về một quan chức ngoại giao Hà Lan tại Trung Quốc đang bị điều tra vì bỏ bê nhiệm vụ, đam mê tình ái với một phụ nữ Trung Quốc đang là đề tài "nóng" trong giới tình báo vì nó bộc lộ một chiêu thức không bao giờ cũ trong nghề điệp viên - mỹ nhân kế - vừa xảy ra với ông Ronald Keller, Đại sứ Hà Lan tại Trung Quốc.

Ông Keller năm nay 58 tuổi, hiện đang bị "treo chức" vì có quan hệ tình cảm bí mật với một phụ nữ Trung Quốc là nhân viên trong Đại sứ quán. Bộ Ngoại giao Hà Lan đã mở cuộc điều tra , và đây không phải lần đầu ông Keller bị đặt vấn đề về quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân, đặc biệt là những mối quan hệ tình ái bí mật trong lúc tại nhiệm ở nước ngoài.

Năm 2015, khi còn là Đại sứ Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Keller cũng đã thổ lộ với tờ báo điện tử Allmagnews của nước này rằng, ông đã có một người vợ là bà Zsuzsanna, người Hungary, cưới năm 1991 và ông đã cố giữ bí mật chuyện này trong suốt thời gian ông làm nhiệm vụ.

Tướng Lo Hsien Che của Đài Loan bị tình báo Trung Quốc dùng mỹ nhân kế dụ dỗ.

Một năm trước đó, hai người gặp nhau ở Paris, bà Zsuzsanna làm đại diện cho Hungary còn Keller làm việc trong Bộ Tài chính Hà Lan, thường xuyên công tác tại Paris và họ gặp nhau trong một dịp dự hội nghị quốc tế. Ông Keller kể, ông và bà Zsuzsanna có cảm tình với nhau ngay lần đầu tiên gặp nhau, trò chuyện trong giờ nghỉ giải lao của hội nghị. Dần dần, sau vài lần gặp trong những dịp như thế, tình cảm bạn bè chuyển thành tình yêu.

Hai người quyết định giữ kín mối quan hệ tình cảm này vì thời đó Chiến tranh Lạnh vẫn còn, để ngay sau khi nó vừa kết thúc, hai người mới có cơ hội làm đám cưới. Bà Zsuzsanna đã xác nhận lời kể của chồng. Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Keller chuyển sang làm Đại sứ tại Trung Quốc vào cuối năm 2015. Tại đây, ông đã "dính bẫy" tình ái với một nhân viên thư ký người Trung Quốc, không tiết lộ danh tính, khoảng 30 tuổi, chỉ sau vài tháng nhận nhiệm sở.

Không chỉ riêng ông Keller, các nhà ngoại giao nước ngoài khi đến Trung Quốc làm việc thường được khuyến cáo cẩn thận trong quan hệ với những phụ nữ Trung Quốc mà họ tiếp xúc hoặc làm việc chung, vì bẫy "mỹ nhân kế" luôn giăng sẵn để tóm những con mồi nhẹ dạ lại có máu "hám của lạ".

Báo cáo 14 trang mang tựa "Mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc" được MI-5 soạn năm 2008 để gửi đến hàng trăm ngân hàng , thể chế tài chính và doanh nghiệp Anh, bị rò rỉ đầu năm 2010, có đoạn viết rằng: "Hoạt động tình báo Trung Quốc có khả năng khai thác những điểm yếu nhạy cảm, chẳng hạn quan hệ tình dục và lấy đó làm sức ép để nạn nhân buộc phải hợp tác với họ".

Tờ báo The Sunday Times cách đây vài năm cũng đã từng đăng lời cảnh báo của Bộ Quốc phòng Anh trong cẩm nang ngoại giao mang tên "Manual of Security" (Cẩm nang An ninh) rằng, các cơ quan tình báo nước ngoài, cụ thể là Bộ An ninh Nhà nước của Trung Quốc và cả cơ quan tình báo FSB của Nga thường sử dụng chiêu "mỹ nhân kế" để gài bẫy và tạo mối quan hệ tình cảm nhằm moi thông tin mật.

Chiêu thức mà các mỹ nhân Trung Quốc thường sử dụng là quan hệ tình dục bất chính với mục tiêu và sau đó buộc con mồi cung cấp thông tin mật mà mình nắm giữ nếu muốn được giữ kín chuyện quan hệ tình ái nhơ nhuốc này.

Hẳn có lửa nên mới có khói. Cuối năm 2009, nguyên thị trưởng London, Ian Clement, thú nhận rằng, ông đã bị một đòn mỹ nhân kế đau điếng. Đến Bắc Kinh cùng viên chức đặc trách tổ chức Thế vận hội Tessa Jowell để xây dựng quan hệ đầu tư cho việc tổ chức Thế vận hội hè 2012 tại London, Ian Clement quen với cô gái đầy quyến rũ tại một buổi tiệc trong đêm khai mạc Thế vận hội hè 2008 tại Bắc Kinh.

Thấy cô gái thẹn thùng và đầy bí ẩn phải "khám phá", Ian Clement mời lên phòng riêng và cuối cùng... bất tỉnh! Vài tiếng sau, Ian Clement khi tỉnh dậy phát hiện cô gái đã xới tung tài liệu cất trong cặp và thậm chí còn tải dữ liệu từ chiếc điện thoại BlackBerry của ông...

Tờ Sunday Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Anh kể rằng ông đã từng được một phụ nữ Trung Quốc, khoảng ngoài 30 tuổi, tiếp cận trong chuyến công tác đến Bắc Kinh. Người phụ nữ này đã được cung cấp thông tin trước về thói quen và sở thích xe ôtô thể thao của ông nên đã chủ động tấn công vào sở thích này.

Sau một lúc trao đổi trò chuyện, quan chức quốc phòng Anh cự tuyệt vì cảm thấy nghi ngờ về động cơ tiếp cận của người phụ nữ, nhưng ông vẫn không thôi thắc mắc từ đâu cô ta có được thông tin chi tiết về các thói quen, sở thích của ông. Đó là trường hợp may mắn thoát bẫy, bên cạnh đó cũng có ít nhất một trường hợp "hô hoán" lên nhưng thiếu cơ sở thuyết phục.

"Bẫy hổ" - quyển sách tiết lộ các hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Mỹ.

Tháng 7-2008, tờ Sunday Times cho biết, một tùy viên (giấu tên) của nguyên Thủ tướng Gordon Brown đã bị tình báo Trung Quốc gài bẫy. Tháp tùng cùng Thủ tướng Anh trong chuyến công du Trung Quốc (trong đó có các cố vấn đối ngoại, viên chức môi trường và mậu dịch cùng 25 lãnh đạo doanh nghiệp...), đương sự thuật rằng, mình bị gài bẫy khi đến Thượng Hải.

Tối hôm đó, khoảng hơn 10 viên chức Anh đến dự tiệc tại vũ trường trong một khách sạn. Tại đó, đương sự được một cô gái Trung Quốc đến mồi chài rồi cuối cùng "nạn nhân" không dằn lòng nổi đã đưa cô gái lên phòng riêng... Sáng hôm sau, đương sự phát hiện chiếc điện thoại BlackBerry của mình không cánh mà bay. Đương sự cũng thừa nhận là khi tỉnh dậy thì cảm thấy ''đầu đau như búa bổ vì nhấp vài chén rượu để làm ấm nồng cuộc mây mưa".

Thế là tình báo Anh, khi được báo cáo, nghi ngay rằng vụ này có bàn tay gián điệp Trung Quốc! Quy kết này tỏ ra thiếu thuyết phục vì chẳng lẽ gián điệp Trung Quốc ấu trĩ đến mức đánh cắp một chiếc điện thoại để gây chú ý, hơn là chỉ cần tải dữ liệu từ nó nếu họ cảm thấy cần lấy thông tin?

Năm 2011 xảy ra một vụ bê bối gián điệp lớn khiến một vị tướng quân đội Đài Loan thân bại danh liệt. Tháng 2-2011, tướng Lo Hsien Che, Trưởng Văn phòng Thông tin và truyền thông của quân đội Đài Loan bị nhà chức trách bắt giam vì tội cung cấp thông tin bí mật quân sự cho tình báo Trung Quốc.

Theo tờ The China Times, tướng Lo đã bị một nữ điệp viên Trung Quốc khoảng ngoài 30 tuổi, mang hộ chiếu Australia dụ dỗ trong một chuyến công tác tại Mỹ. Ban đầu, nữ điệp viên này tạo mối quan hệ tình ái ngọt ngào với tướng Lo, sau đó dùng tiền để mua chuộc ông.

Nữ điệp viên đã trả tiền cho tướng Lo tổng cộng hơn 1 triệu USD cho việc cung cấp thông tin bí mật liên quan đến việc chính quyền Đài Loan mua các thiết bị kỹ thuật quân sự của Mỹ. Tướng Lo thường xuyên tới lui Mỹ với lý do công tác, nhưng thực tế là để cung cấp thông tin cho đầu mối tình báo Trung Quốc.

Khi phát hiện Lo có dấu hiệu khả nghi, cơ quan phản gián Đài Loan đã bí mật điều tra và lật tẩy Lo trong một phi vụ giao tài liệu mật. Vụ việc đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Đài Loan. Tháng 2-2013, Bộ Tư pháp Đài Loan thông báo, trong khoảng một thập niên đầu thế kỷ XXI, chính quyền lãnh thổ này đã phát hiện khá nhiều vụ việc tình báo Trung Quốc sử dụng mỹ nhân kế để dụ dỗ, moi móc thông tin bí mật, và đã có nhiều quan chức ngoại giao, quân sự Đài Loan bị sập bẫy mỹ nhân kế này.

Tháng 10-2013, tạp chí tin tức Nhật Bản Shukan Jitsuwa đưa tin: Giám đốc điều hành và các kỹ sư công nghệ cao của các công ty công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản đang trở thành mục tiêu của các tổ chức tình báo Trung Quốc. Những nạn nhân của ít nhất 5 công ty hàng đầu là khách quen của một quán bar tọa lạc tại Higashiyama trước khi nó đóng cửa vào tháng 6 và người quản lý Trung Quốc đột ngột biến mất. Quán bar này có vé vào cửa là 20 ngàn yên, nhưng bù lại, khách sẽ được 8 nữ tiếp viên xinh đẹp, giỏi pha chế đồ uống và tiếp chuyện phục vụ tận tình, thậm chí họ có thể sẵn sàng đáp ứng mọi "nhu cầu" của khách.

Những tiếp viên này sau khi làm cho các con mồi "ngất ngư" sẽ khuyến khích họ thổ lộ về các công nghệ mới họ đang phát triển cũng như chiến lược hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Trước khi người quản lý Trung Quốc biến mất, có một nữ tiếp viên 32 tuổi người Trung Quốc đã kết hôn được với một thành viên 52 tuổi của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ông này đã bị sa thải sau khi vụ kết hôn với người phụ nữ Trung Quốc khả nghi được đưa ra ánh sáng. Tạp chí Shukan Jitsuwa nhận định, chiêu thức này là một trong những thủ đoạn của tình báo Trung Quốc để có được thông tin về hạm đội tàu ngầm Nhật Bản. "Các quan chức quốc phòng và kỹ sư Nhật Bản sau khi có quan hệ xác thịt với các cô gái Trung Quốc sẽ bị ép buộc tiết lộ thông tin. Ngoài ra còn có những trường hợp mà các kỹ sư đang mắc nợ vay nặng lãi, họ cũng bị tình báo Trung Quốc đe dọa phải cung cấp thông tin".

Cũng trong năm 2013, Cục Tình báo An ninh Canada (CSIS) đã in và phát hành một quyển cẩm nang tương tự Bộ Quốc phòng Anh, trong đó phân tích chi tiết những chiêu thức dùng mỹ nhân kế của tình báo nước ngoài nhắm vào những quan chức ngoại giao, quốc phòng, an ninh của Canada. Chiêu thức phổ biến nhất là mồi chài quan hệ tình dục rồi sau đó đánh thuốc mê, lục soát hành lý, đồ đạc, lấy cắp thiết bị liên lạc vô tuyến cùng các tài liệu bí mật quan trọng.

Năm 2012, trong quyển sách có tựa đề "Bẫy hổ" (Tiger Trap) của nhà văn chuyên viết về mảng tình báo - điệp viên nhận định: Trung Quốc tiếp tục làm theo lời khuyên trong cuốn sách từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, "Nghệ thuật dụng binh" của quân sư Tôn Tử (Binh thư Tôn Tử) dạy rằng, nhiệm vụ của tình báo giống như "một ngàn hạt cát"; đó có nghĩa là thu thập những mẩu tin nhỏ trong vô số các thông tin từ quần chúng rộng lớn.

Wise thừa nhận, Trung Quốc trong thế kỷ XXI, không giống như Liên Xô, không quan tâm đến an nguy của lính mới, người có động cơ trả thù hay những người thấp hèn, họ là người "tốt", vì họ ngây thơ tin tưởng "bản chất ái quốc" trong các hành động của họ. Vì vậy, điệp viên được chiêu mộ bởi các chỉ huy gián điệp Trung Quốc, là những người thực sự muốn giúp Trung Quốc giúp cải thiện công nghệ, hiện đại hóa, để đạt được tầm bình đẳng với phương Tây.

Sự chiêu mộ này thường được diễn dịch thành tính dân tộc, đặc biệt là thế hệ người Hoa nhập cư đầu tiên ở Mỹ có quan hệ gắn bó với văn hóa và gia đình ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ đền đáp lại họ bằng cách giúp những điệp viên không chuyên này xúc tiến liên doanh thương mại hoặc kinh doanh tại Mỹ.

Vì thế, các trùm gián điệp Trung Quốc không phải cung cấp tiền, và họ không chấp nhận các trường hợp đào ngũ - tức là, những tình nguyện viên có thể "làm mồi nhử" (điệp viên hai mang do kẻ thù gửi tới). Hầu hết các hoạt động tình báo được điều phối bởi Bộ An ninh Quốc gia (MSS) hoặc chi bộ tình báo quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Lực lượng vô hình của Trung Quốc và cho đến ngày nay, gián điệp mạng bất khả chiến bại được mô tả rất chi tiết, tiết lộ thông tin mà ít người Mỹ có thể hiểu được.

Wise làm sáng tỏ các mối đe dọa nghiêm trọng do các tin tặc gây ra, các mầm mống mới trong gián điệp mạng, mà người Trung Quốc đã tung ra để chống lại Mỹ, không chỉ đối với các cơ quan của Mỹ mà còn mục tiêu khác nhau từ Lầu Năm Góc cho đến cơ sở hạ tầng nhà nước dễ bị tấn công của các tiểu bang và thành phố, từ mạng máy tính đến nguồn năng lượng và cả các nguồn cung cấp nước…

Theo CAND

Nguồn ANTT: http://antt.vn/my-nhan-ke-chua-bao-gio-loi-thoi-trong-tinh-bao-hien-dai-0122411.html