Mỹ: Phó Đô đốc Hải quân được đề cử vào vị trí lãnh đạo NSA

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đang chuẩn bị tiếp nhận các lãnh đạo mới để giải quyết hậu quả sau những tiết lộ của người tố giác Edward Snowden. Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Michael Rogers - Chỉ huy Hạm đội 10 và Bộ Tư lệnh tác chiến mạng hải quân - mới đây được Tổng thống Barack Obama đề cử vào vị trí lãnh đạo NSA thay thế tướng Keith Alexander. Bên cạnh đó, Richard Ledgett - lãnh đạo bộ phận điều tra Edward Snowden của NSA - sẽ trở thành Phó giám đốc mới của NSA. Ledgett từng gây chú ý sau khi ông đề nghị ân xá cho Edward Snowden để người này chấp nhận giữ kín những bí mật chưa được tiết lộ.

Phó Đô đốc Michael Rogers.

Từ lâu Michael Rogers là chuyên gia mật mã học của lực lượng hải quân Mỹ, còn Keith Alexander là vị tướng quân đội và người tiền nhiệm của ông - Michael Hayden - xuất thân từ không quân. Do có nhiều kinh nghiệm về mật mã học và nghe lén điện tử cho nên Michael Rogers được coi là rất thích hợp để lãnh đạo NSA. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Hạm đội 10 của Hải quân Mỹ được cải tổ để trở thành Bộ Tư lệnh tác chiến mạng và đặt căn cứ tại Fort Meade.

Michael Rogers cũng phục vụ 2 năm trong quân đội với vị trí Giám đốc tình báo. Chức giám đốc NSA của Rogers được Tổng thống Barack Obama đề cử không cần sự thông qua của Thượng viện Mỹ nhưng vẫn chờ sự xác nhận của tổ chức này. Tuy nhiên, hiện nay có sự đồn đại ở Washington rằng Trung tướng quân đội Mike Flynn - hiện là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) - cũng là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế lãnh đạo NSA.

Trong bài diễn văn đọc hôm 30/1/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đánh giá Michael Rogers xứng đáng lãnh đạo NSA do có "các phẩm chất tuyệt vời" trong lĩnh vực tình báo tín hiệu.

Với vị trí lãnh đạo NSA, Phó đô đốc Rogers thừa hưởng từ tướng Keith Alexander một cơ quan tình báo tín hiệu gây nhiều tranh cãi dữ dội nhất trong lịch sử của nó với sự tiết lộ một lượng khổng lồ các tài liệu mật về hoạt động giám sát lén lút mọi cuộc gọi điện thoại thực hiện tại nước Mỹ, email cũng như giao tiếp trên Internet, kể cả những giao tiếp trên toàn cầu.

Mới đây, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper cũng thừa nhận NSA đã thực sự vi phạm chuẩn mực đạo đức của một cơ quan tình báo. Các chuyên gia quan sát cho rằng nhiệm vụ quan trọng của Michael Rogers khi lãnh đạo NSA là phải nỗ lực khôi phục lòng tin vào cơ quan của công dân Mỹ cũng như các thành viên Quốc hội - những nhân vật đang dự thảo các luật mới nhằm chấm dứt hoạt động thu thập thông tin hàng loạt của cơ quan tình báo này về việc thâm nhập và truy tìm dữ liệu trong giao tiếp điện thoại của người dân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Trong hơn 30 năm phục vụ hải quân, Michael Rogers đảm trách khoa mật mã, tình báo tín hiệu (SIGNT, hay nghe lén điện tử) và mới đây nhất là soạn thảo chiến lược chiến tranh mạng cho Hải quân Mỹ. Rogers không lạ lẫm gì với sứ mạng của NSA và có được niềm tin của các quan chức cao cấp Lầu Năm Góc.

Hiện nay, ở tuổi 53, Rogers chỉ huy tình báo tín hiệu và các chiến dịch mạng của Hải quân Mỹ. Michael S. Rogers là gương mặt quen thuộc của Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ). Từ tháng 3 đến tháng 6/2011, Rogers tham gia vào ít nhất 9 cuộc họp về các chiến dịch quân sự Mỹ ở Libya với các thành viên Quốc hội cũng như các ủy ban tình báo và đối ngoại ở Thượng và Hạ viện.

Tháng 7/2012, Rogers làm chứng trước Quốc hội về sự đóng góp của hải quân trong sự nghiệp phát triển các lực lượng chiến binh mạng giữa thời đại kỹ thuật số.

Theo Rogers, 75% trong tổng số khoảng 14.000 người hiện đang làm việc trong không gian mạng của Hải quân Mỹ chủ yếu quản lý các hệ thống và cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật. Rogers là người chủ trương chuyển đổi nhiều chuyên gia kỹ thuật được huấn luyện về chiến tranh mạng hỗ trợ hải quân sang mô hình máy tính đám mây gọi là Môi trường thông tin phối hợp (JIE).

Tướng Keith Alexander.

Đó cũng là chiến lược được tướng chỉ huy NSA hiện nay Keith Alexander sử dụng nhằm tăng cường số chiến binh hoạt động dưới quyền của ông lên vài ngàn người trong những năm sắp tới. Từ viễn cảnh này, người ta cho rằng Michael Rogers chắc chắn sẽ tiếp tục chiến lược phát triển lực lượng chiến binh mạng của tướng Alexander.

Michael Roger sinh ra ở Chicago và bắt đầu phục vụ Hải quân Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Auburn năm 1981. Năm 1986, Rogers được chọn vào công việc thiết lập mật mã cho hải quân. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ, Michael Rogers làm việc cho Hội đồng Tham mưu liên quân (JCS) chuyên về những cuộc tấn công mạng máy tính.

Năm 2007, Rogers trở thành Giám đốc tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Và 2 năm sau, Rogers được bổ nhiệm làm Giám đốc tình báo cho JCS, sau đó trở thành chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến mạng của Hải quân Mỹ.

Tháng 1/2014, Tổng thống Brack Obama chính thức thông báo đề cử Rogers vào chiếc ghế lãnh đạo NSA với nhiệm kỳ kéo dài 9 năm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hautruong/2014/3/82601.cand