Mỹ phóng 4.200 tên lửa: Điểm yếu đòn chớp nhoáng toàn cầu

Tiếp tục chủ đề tên lửa Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria, xin giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga.

Bài viết của chuyên gia, Viện sỹ Viện Hàn lâm pháo binh và tên lửa Nga, Tiến sỹ khoa học quân sự, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov (chúng tôi mới chuyển tải ý kiến của ông về vấn đề này qua bài: “ Nga: 200 quả Тоmahawk thổi bay cả căn cứ Nga và Assad ” (DVO, 11/4/2107 ) về một chủ đề có liên quan đến “Tomahawk” nhưng từ góc độ lý luận đăng trên “Svobodnaia Pressa ” (Nga) từ tháng 5/2016 để những bạn đọc quan tâm tham khảo. Ảnh trong bài là của tác giả.

Ảnh : Zuma/ ТАСС

“Trong mấy năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới tranh nhiều về học thuyết “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (sau đây ngắn gọn là Học thuyết) của Mỹ.

Nếu như tổng hợp, tóm tắt lại toàn bộ các đánh giá trên báo chí thì đó (học thuyết) là một ý tưởng cực kỳ nguy hiểm, nó có thể tạo ra một mối đe dọa chết người gần như đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Điểm xuất phát cốt lõi của ý tưởng này (học thuyết) là khẳng định cho rằng vũ khí chính xác cao có sức công phá tương đương với vũ khí hạt nhân, và vì thế, nếu sử dụng chúng một cách ồ ạt thì có thể buộc các đối thủ của Mỹ phải quỳ gối.

Tuy nhiên, có thật như vậy không? Học thuyết “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” là gì và liệu vào thời điểm hiện tại có thể dùng vũ khí chính xác cao tấn công lãnh thổ đối phương và gây tổn thất đến mức buộc đối phương phải đầu hàng không?

Học thuyết này tạo ra mối đe dọa như thế nào đối với Nga nếu như nó được hiện thực hóa?

Nội dung chính của Học thuyết – đó là xây dựng một hệ thống tác chiến hoàn chỉnh bao gồm các thành tố tấn công, hệ thống trinh sát và giám sát, các sở chỉ huy và liên lạc, các phương tiện chế áp điện tử.

Các phương tiện tấn công chủ yếu theo “tinh thần” học thuyết này là tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến thông thường phóng từ mặt đất và từ biển, các tên lửa siêu thanh tầm xa phóng từ các phương tiện mang trên không. Trong tương lai xa, còn sử dụng các phương tiện vũ trụ để thực hiện các đòn tấn công.

Các tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến thông thường hiện đang là loại vũ khí tốt nhất đáp ứng các yêu cầu đối với thành tố tấn công của Học thuyết.

Chúng đảm bảo tấn công mục tiêu với độ chính xác cao (sai số xác suất vòng tròn khoảng 100 -150 m), thời gian đưa đầu tác chiến đến mục tiêu ngắn (không lớn hơn 30-40 phút), và tốc độ đầu tác chiến trong khu vực mục tiêu rất cao cho phép phá hủy các mục tiêu sâu dưới lòng đất.

Trọng lượng ném (hiểu đơn giản nhất- trọng lượng tầng cuối của tên lửa) lớn (đến 3,5 tấn) cho phép sử dụng nhiều kiểu đầu tác chiến, trong đó có các đầu tác chiến chùm, cũng như mang các thiết bị bay không người lái chuyên dụng.

Tuy nhiên, có một loạt các điều kiện làm cho việc sử dụng tên lửa đạn đạo để tiến hành “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” đối mặt với cực kỳ nhiều vấn đề rất khó giải quyết.

Thứ nhất, hệ thống giám sát chống tên lửa của Nga (và trong tương lai gần là của Trung Quốc) có thể xác định một dàn phóng tên lửa như vậy (để có thể chắc chắn tiêu diệt thậm chí chỉ một mục tiêu riêng rẽ cũng cần phải phóng ít nhất 2-3 quả tên lửa như vậy) là một cuộc tấn công hạt nhân, - và như vậy sẽ dẫn đến đòn tấn công hạt nhân trả đũa (vào lãnh thổ Mỹ).

Thứ hai, các hiệp ước về vũ khí tấn công chiến lược quy định hạn chế (trần) tổng số lượng các tên lửa đạn đạo đã triển khai và không tính đến sự khác nhau giữa tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến hạt nhân và tên lửa mang đầu tác chiến thông thường.

Có nghĩa là, Mỹ chỉ có thể trang bị đầu tác chiến thông thường cho một số tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và từ trên biển bằng cách cắt giảm một số lượng tương ứng các tên lửa đạn đạo mang đầu tác chiến hạt nhân đã triển khai.

Một thành tố tấn công cực kỳ quan trọng nữa theo Học thuyết trên là tên lửa siêu thanh trong tương lai X-51A với tốc độ bay lên đến 6.500 -7.500km/h. Tuy nhiên, những thử nghiệm đã tiến hành kiểu tên lửa này hiện vẫn chưa đem lại những kết quả như Mỹ muốn.

Và tuy Chương trình thiết kế X-51A vẫn đang được tiếp tục thực hiện, kiểu tên lửa này chỉ có thể được hoàn thiện trong tương lai trung hạn, còn việc sản xuất và đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ một khối lượng vừa đủ - phải trong tương lai dài hạn.

Và như vậy, trong tương lai trung hạn và thậm chí dài hạn, Quân đội Mỹ sẽ không nhận được một khối lượng đáng kể nào các hệ thống vũ khí mới về nguyên tắc để đạt được hiệu ứng đáng kể trong khuôn khổ Học thuyết.

Chính vì thế, trong tương lai trung hạn Mỹ chỉ có thể dựa vào chủ yếu vào những thành tố tấn công là các tên lửa có cánh (hành trình) phóng từ biển và phóng từ trên không (kiểu “Tomahawk”), không quân chiến lược, không quân chiến thuật và không quân hải quân.

Hiện những tên lửa có cánh phóng từ biển có trong trang bị của Hải quân Mỹ có tầm bắn đến 1.600 km, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu bằng đầu tác chiến nặng 340 -450 kg với độ chính xác rất cao (sai số xác xuất vòng tròn chỉ 5-10 m).

Các tên lửa trên có thể phóng từ tất cả các tàu nổi và tàu ngầm hiện đại đang có của Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-phong-4200-ten-lua-diem-yeu-don-chop-nhoang-toan-cau-3333053/