Mỹ quyết đánh đổi quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để giải phóng Raqqa?

Chính quyền của TT Trump đang có cuộc tranh luận dữ dội về việc có nên tiếp tục ủng hộ lực lượng người Kurd trong chiến dịch tại Raqqa hay chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Lầu Năm Góc có khả năng sẽ làm suy thoái quan hệ liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ nếu tiếp tục hợp tác với lực lượng người Kurd trong mục tiêu giải phóng Raqqa.

Về phần mình, Damascus cảnh báo các cường quốc nước ngoài rằng, bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Raqqa mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Syria hợp pháp sẽ bị coi là một cuộc xâm lăng.

Chính quyền của Tổng thống Trump đang tranh luận về chiến dịch ở Raqqa.

Mấu chốt của vấn đề là Mỹ vẫn chủ yếu dựa vào lực lượng Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn có liên quan đến đảng Lao động người Kurd bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách khủng bố trong nước.

Tờ Foreign Policy tiết lộ, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có cuộc tranh luận dữ dội về việc có nên tiếp tục ủng hộ lực lượng của người Kurd tại Raqqa hay chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh khác.

Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo Mỹ, "nếu Washington khăng khăng tiến hành chiến dịch như ban đầu, quan hệ của chúng ta sẽ bị tổn hại một cách rõ ràng".

Tuy nhiên, có vẻ như Nhà Trắng vẫn không thay đổi định hướng chiến lược của mình. Nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21/3, một đại diện của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã xác nhận rằng, Lầu Năm Góc sẽ triển khai thêm 1.000 lính Mỹ tới Syria để trợ giúp SDF trong thời gian tiến hành kế hoạch tấn công IS ở Raqqa.

Người này cũng tiết lộ, Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng vào khu vực. Hai ngày một lần, Mỹ triển khai thêm hàng loạt các loại vũ khí lớn, chủ yếu là vũ khí hạng nặng bao gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, súng bắn tỉa, súng phóng lựu và các loại vũ khí khác, nguồn tin cho biết.

Mặc dù gửi thêm quân, nhưng Washington sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn quân sự trong chiến dịch, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Trong quan điểm của mình, các chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ vẫn coi YPG là "những chiến binh ưu tú và là lựa chọn khả thi duy nhất, để lật đổ Nhà nước Hồi giáo IS", theo Foreign Policy.

Nếu các chiến binh người Kurd nắm được quyền kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, lực lượng này sẽ "cô lập" Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Đông.

Tầm ảnh hưởng của lực lượng người Kurd gia tăng gây ra những lo ngại đối với Ankara, khi Chính phủ Erdogan vốn coi sự phát triển của người Kurd là mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Behlul Ozkan giải thích rằng, Ankara cần ngăn chặn YPG và đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) tăng cường vị thế ở miền bắc Syria.

Tờ Foreign Policy lưu ý rằng, nếu Washington tiếp tục bỏ qua mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể đánh đổ những nền tảng quan trọng của Washington tại Syria. Trong đó bao gồm, ngừng cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân ở miền Nam nước này, đồng thời tăng cường hợp tác với Nga.

Về phần mình, Damascus gần đây đã tuyên bố sẽ xem xét bất kỳ hoạt động quân sự nào tại Syria nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Syria là một cuộc xâm lăng, dù cho nó diễn ra ở Raqqa hay bất kỳ thành phố nào khác .

“Liên minh do Mỹ dẫn đầu không bao giờ có ý định nghiêm túc chống lại khủng bố, vì vậy chúng ta phải suy nghĩ về ý định thực sự của toàn bộ kế hoạch, bao gồm cả việc giải phóng Raqqa", Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói với các nhà báo Nga.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-quyet-danh-doi-quan-he-voi-tho-nhi-ky-de-giai-phong-raqqa-a319683.html