Mỹ tăng thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam

Mức thuế tăng áp dụng cho giai đoạn 1/2/2013- 31/1/2014...

Đây là phán quyết được đưa ra sau khi áp dụng cách tính mới, cho dù vào ngày 7/9/2015, Mỹ đã công bố kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguyễn Huyền

Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố phán quyết về nâng mức thuế chống bán phá đối với tôm Việt Nam đã xuất sang Mỹ trong giai đoạn 1/2/2013-31/1/2014 lên 1,42% thay vì 1,16% như trước đó.

Đây là phán quyết được đưa ra sau khi áp dụng cách tính mới, cho dù vào ngày 7/9/2015, họ đã công bố kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Để đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, DOC đã chọn nước thứ ba có quy mô nền kinh tế tương đồng với Việt Nam để làm cơ sở tính toán.

Vẫn là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước

Trong những năm trước, Bangladesh được chọn là quốc gia tham chiếu, nhưng năm nay do có sự khiếu nại của một số nhà máy chế biến tôm và chủ tàu đánh bắt tôm ở Mỹ, DOC đã thay thế Bangladesh bằng Ấn Độ. Trên cơ sở thay đổi này, DOC đã quyết định nâng mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 1,16% lên 1,42%.

Trên thực tế, các công ty nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã phải đặt cọc một khoản tiền ngay khi nhập hàng, và khoảng chênh lệch do thuế chống bán phá giá tăng lên sẽ được truy thu từ khoản tiền đặt cọc này. Nhưng cho dù nguồn tiền được tính từ đâu cũng khiến giá tôm của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ tăng lên, và như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm tôm của Việt Nam tại Mỹ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thuỷ sản Thuận Phước cho biết, DOC tăng mức thuế chống bán phá giá như trên là do họ có ý muốn gây khó khăn cho các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Tại kỳ POR9, Thuận Phước là 1 trong 3 bị đơn bắt buộc và phải chịu mức thuế chống bán phá giá khá cao, và bây giờ DOC có tính lại mức thuế của POR9 thì mức thuế của các bị đơn bắt buộc có thể sẽ tăng, và có thể ở mức khác nhau. Vì, mức thuế chống bán phá giá tại POR 9 vẫn thấp hơn so với các kỳ POR sau này và thậm chí thấp còn hơn các kỳ POR trước đó.

“Thuế chống bán phá giá do nước nhập khẩu đặt ra với mục đích làm lợi cho họ và bảo vệ sản xuất trong nước. Các mức thuế chống bán phá giá tôm tuy đã được quyết định trong các kỳ POR, nhưng nếu phía Mỹ xem thấy kỳ POR nào có mức thuế không phù hợp họ có thể nộp đơn và yêu cầu toà án tính lại. Nhất là bây giờ, chính quyền của Tổng thống Donal Trump đang đặt nặng vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước, sẽ càng khó cho xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ hơn”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Luật pháp Mỹ cho phép

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), DOC ra quyết định này là dựa trên phán quyết của toà án từ kết quả của POR 9, do có sự khiếu nại của nguyên đơn là các nhà đánh bắt và chế biến tôm ở Mỹ. Họ kiện lên toà án và yêu cầu xử lại vì cho rằng, DOC sử dụng dữ liệu là mức lương của Bangladesh quá thấp không phù hợp để tính và toà án đã đồng ý.

Bởi theo luật của Mỹ, không nhất thiết sử dụng toàn bộ dữ liệu của một quốc gia làm giá trị thay thế, họ có thể sử dụng một vài dữ liệu của nước này, một vài dữ liệu của nước kia vẫn hợp pháp, và kết quả này cũng chỉ tác động đến việc thanh toán thuế cho các lô hàng đã xuất khẩu tại POR 9, hoàn toàn không có ảnh hưởng đến các lô hàng khác hoặc cho đến thời điểm hiện nay.

Theo luật của Mỹ, khi các bên không chịu kết quả DOC công bố thì có quyền khiếu kiện lên toà án và Toà sẽ xử lại. Nếu Toà xử DOC thua thì DOC phải tính lại theo phán quyết của Toà, và mức thuế chống bán phá giá tính lại có lên cao hay xuống thấp đều có thể xảy ra, vấn đề này hoàn toàn hợp pháp và các bên liên quan phải tuân theo lệnh của toà án.

“Trong trường hợp này, bên nguyên đơn cho rằng, DOC dùng mức lương của Bangladesh tính toán là không phù hợp, nên khiếu nại lên toà án và toà án đã đồng ý dùng mức lương của Ấn Độ để tính nên mức thuế chống bán phá giá đã tăng lên”, ông Hoè chia sẻ.

Tuy toà ra đã phán quyết nhưng nếu các công ty Việt Nam không đồng ý thì vẫn có thể kiện lên toà cao cấp hơn để yêu cầu xử lại, trong thời gian chờ xử lại vẫn chưa áp dụng mức thuế mới. Vấn đề này hoàn toàn hợp pháp chứ không có gì sai trái.

Từ đầu năm 2017, DOC cũng đã quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam thêm 5 năm, còn mức thuế áp cho từng khoảng thời gian cụ thể sẽ được phán quyết sau các đợt rà soát hành chính của DOC.

Theo kế hoạch, DOC sẽ tiến hành đợt rà soát hành chính tiếp theo đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2018, và rất có thể Bangladesh sẽ tiếp tục không được chọn là quốc gia tham chiếu.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thi-truong/my-tang-thue-chong-ban-pha-gia-doi-voi-tom-viet-nam-2017073111484250.htm