Mỹ tiếp tục kêu gọi quốc tế trừng phạt Triều Tiên

Nhà Trắng mời 100 nghị sĩ đến họp vào ngày 26.4 để trình bày quan điểm về vấn đề Triều Tiên với quan điểm bớt cứng rắn hơn sau những hành động đe dọa quân sự.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ kêu gọi Trung Quốc tập trung gây áp lực với Triều Tiên

Theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn Triều Tiên phải dỡ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân, thông qua các lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực ngoại giao với nước này nhiều hơn nữa.

Thông cáo được đưa ra sau khi các nghị sĩ đến Nhà Trắng để tham dự phiên họp kín với sự hiện diện của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats.

Giời quan sát nhận định Mỹ dường như đưa ra tín hiệu rằng Washington sẵn sàng áp dụng các biện pháp phi quân sự đối với Triều Tiên thay vì đe dọa “mọi khả năng đều được đưa ra chọn” như trước đó.

Triều Tiên vẫn bị cho là “mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp và ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu” của Mỹ.

“Phương thức của tổng thống là gây áp lực khiến Triều Tiên dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua siết chặt trừng phạt kinh tế và các biện pháp ngoại giao với đồng minh và đối tác trong khu vực”, theo thông cáo.

Theo đó, Mỹ cũng muốn ổn định và giải trừ hạt nhân một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhưng đồng thời cũng duy trì sự phòng bị cho mình và đồng minh.

Thông cáo trên được đưa ra sau khi các nghị sĩ Mỹ muốn Nhà Trắng có chiến lược rõ ràng trước quan ngại Triều Tiên thử tên lửa và có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Christopher Coons tiết lộ với báo giới rằng buổi họp cũng bàn về khả năng Mỹ hành động quân sự. “Buổi họp đã thể hiện rõ rằng khả năng quân sự đã được cân nhắc đến đâu trước khi có quyết định cụ thể về chiến lược ngoại giao”, ông nói.

Ông Tillerson sẽ chủ trì phiên họp HĐBA Liên Hiệp Quốc vào ngày 28.4, dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên về mua bán dầu, về hàng không, vận tải đường biển cũng như trừng phạt các ngân hàng nước ngoài, trong đó có ngân hàng Trung Quốc, nếu tiếp tục làm ăn với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên các biện pháp này cần sự ủng hộ hoàn toàn từ Trung Quốc, đồng minh và láng giềng của Triều Tiên. Trung Quốc cũng phản đối phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và nhiều lần kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng việc đàm phán không có ý nghĩa trừ phi Triều Tiên thực sự có hành động giải trừ vũ khí.

Cũng trong ngày 26.4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố Mỹ và Liên Hiệp Quốc phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra chiến tranh và lên án Mỹ đưa khí tài quân sự đến khu vực.

Trước đó vào cùng ngày, Mỹ đưa các thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, báo cáo với quốc hội rằng hệ thống này sẽ hoạt động “trong vài ngày tới”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh nên tập trung vào việc gây áp lực với Triều Tiên thay vì quan ngại về hệ thống “thuần túy phòng thủ” này.

Ông Harris cũng bác khả năng một nghị sĩ đưa ra rằng Triều Tiên sẽ không tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ khi có khả năng.

Khánh An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/my-tiep-tuc-keu-goi-quoc-te-trung-phat-trieu-tien-829828.html