Mỹ – Trung đàm phán trả lại UUV

Trong khi giới truyền thông Trung Quốc cáo buộc tàu lặn không người lái (UUV) của Mỹ hoạt động gián điệp, Lầu Năm Góc khẳng định, tàu lặn này chỉ hoạt động nhằm thu thập dữ liệu về độ mặn, nhiệt độ và độ trong của vùng nước ở biển Đông.

Tàu USNS Bowditch của Mỹ được cho là điều hành thiết bị lặn bị Trung Quốc thu giữ.
Ảnh: Reuters

Reuters ngày 19-12 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quân đội nước này và phía Mỹ đang đàm phán về việc trao trả UUV của Washington mà Bắc Kinh thu giữ trên biển Đông hồi tuần trước. “Những gì tôi có thể nói lúc này là Trung Quốc và Mỹ đang sử dụng các kênh liên lạc quân sự “không bị cản trở” để xử lý thích hợp vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp thường kỳ hôm 19-12.

Thiết bị này bị Trung Quốc thu giữ hôm 15-12, đánh dấu vụ thu giữ đầu tiên kiểu này trong lịch sử quan hệ giữa hai cường quốc. Vụ việc đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng, nhất là trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc cho rằng, UUV trên là một phần trong những nỗ lực giám sát của Mỹ tại vùng biển tranh chấp.

Theo Reuters, trên số báo ra ngày 19-12, tờ People’s Daily - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng, tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ, vốn điều hành thiết bị lặn trên, “liên tiếp vi phạm” khi mở các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc. Trong khi đó, tờ China Daily dẫn lời giới phân tích cho rằng, tàu USNS Bowditch là “tàu do thám quân sự khét tiếng”. Báo chí Trung Quốc còn cho biết con tàu này cũng đã hoạt động tại eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định, UUV trên hoạt động hợp pháp với mục đích thu thập dữ liệu về độ mặn, nhiệt độ và độ trong của vùng nước ở vùng biển ngoài khơi bờ biển của Philippines – một đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á. Tại cuộc họp báo trên, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc phản đối hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực nhưng không đả động đến cáo buộc Washington hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, Philippines cho biết, sự cố xảy ra bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ là rất đáng lo ngại. “Vụ việc không chỉ làm tăng khả năng tính toán sai lầm, có thể dẫn đến cuộc đối đầu rất gần đất liền Philippines mà vi phạm các quyền Philippines trong EEZ”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana Philippines tuyên bố.

Trung Quốc đồng ý trả lại thiết bị này, nhưng các chi tiết của việc chuyển giao vẫn chưa được thống nhất. Vụ việc hiện đã nổi lên như một cái gai mới nhất trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, nhất là trong khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thể hiện sự sẵn sàng để đối đầu và thách thức Bắc Kinh khi lên nắm quyền.

Hôm 18-12, ông Trump kịch liệt công kích Trung Quốc về vấn đề này trên trang mạng xã hội Twitter, thậm chí cáo buộc Bắc Kinh là “kẻ cắp”. Khi được hỏi về những tuyên bố như thế này của ông Trump, bà Hoa Xuân Oánh đã bác bỏ, cho rằng, cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” là hoàn toàn không chính xác. “Điều quan trọng là lực lượng hải quân của Trung Quốc có trách nhiệm và chuyên nghiệp trong việc xác định thiết bị này”, bà nói.

Dù Nhà Trắng và Bắc Kinh đang nỗ lực dàn xếp tranh cãi mới nhất này, nhưng mọi việc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới phân tích lo ngại, vụ việc có nguy cơ bùng nổ lại sau khi ông Trump lên nắm quyền vào ngày 20-1-2017.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_159402_my-trung-da-m-pha-n-tra-la-i-uuv.aspx