Mỹ ủng hộ cách tiếp cận toàn cầu trong cải cách tài chính

“Nhật báo Phố Wall” đưa tin trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Đức Vônphơcang Soiblơ (Wolfgang Schauble) ngày 27/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timôthi Ghếtnơ (Timothy Geithner) cho rằng vì lợi ích chung, việc cải cách hệ thống tài chính cần có cách tiếp cận trên quy mô toàn cầu. Ông Ghếtnơ cũng cảnh báo các nước không nên đưa ra những chính sách phản tác dụng, đẩy hoạt động tài chính ra khỏi tầm kiểm soát của thị trường.

Cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Soiblơ ở Béclin (Đức) là một phần trong chuyến công du hai ngày của Bộ trưởng Tài chính Mỹ tới cả Luân Đôn và Phrăngphuốc, để kêu gọi châu Âu thúc đẩy kế hoạch cải cách tài chính, thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ông Ghếtnơ cho rằng khôi phục sự lành mạnh của hệ thống tài chính cần phải là một phần của chương trình phục hồi kinh tế. Trong khi thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích đầu tư tư nhân và tạo công ăn việc làm, các nước cần giữ cân bằng ngân sách. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế có lợi ích chung trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và tạo dựng khuôn khổ vững chắc cho cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Ông Ghếtnơ cho biết Mỹ và châu Âu đã nhất trí về nhiều vấn đề, như hạn chế các hoạt động đầu tư có nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn pháp định lớn hơn và yêu cầu minh bạch hơn trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng hai bên “vẫn còn một vài khác biệt về cách tiếp cận” và cảnh báo rằng cải cách tài chính phải được thực hiện một cách thận trọng, để bảo đảm ổn định cho hệ thống tài chính trong tương lai, nhưng không cản trở tiến trình phục hồi. Phát biểu này của ông Ghếtnơ ám chỉ lo ngại của Oasinhtơn về kế hoạch mới đây của Béclin, trong đó có việc cấm một số hoạt động tài chính và giao dịch tài sản của Đức có thể gây tổn hại cho niềm tin của thị trường. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Ghếtnơ, Bộ trưởng Tài chính Đức Soiblơ cho rằng châu Âu và Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong thắt chặt các quy định tài chính, nhưng giải pháp của hai bên không nhất thiết phải giống nhau , vì cơ cấu tài chính của Mỹ và châu Âu rất khác nhau, nên bước đi giống nhau có thể không tạo ra kết quả giống nhau ở hai phía. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh hơn châu Âu, Oasinhtơn tin rằng mô hình cứu trợ và cải cách tài chính của Mỹ là chiến lược, hiệu quả và châu Âu có thể ứng dụng. Với niềm tin ấy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ghếtnơ hy vọng tiếp tục các cuộc đối thoại với châu Âu về tạo dựng cơ cấu tài chính quốc tế mới./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=405711&co_id=30127