Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng lãnh đạo kinh tế châu Á?

Nền kinh tế 3 cực với một bên là Mỹ, một bên là Trung Quốc và bên còn lại là EU đang đẩy Washington tới cảnh khó có thể giữ được vị thế là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới. Vậy Mỹ sẽ sớm để Trung Quốc cùng lãnh đạo kinh tế châu Á?

Chia sẻ trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Rick Tang, một nhà đầu tư tư nhân sinh sống ở Mỹ, Canada, London, Singapore, Thái Lan và Hong Kong cho rằng Washington nên từ bỏ ý nghĩ chỉ có mình xứng đáng với vị trí thuyền trưởng và để Trung Quốc cùng mình lãnh đạo con thuyền thương mại toàn cầu.

Nền kinh tế và thương mại truyền thống toàn cầu được hình thành theo phương thức các nước phát triển mua hàng hóa giá rẻ sau đó bán lại cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, nhân công giá rẻ tại các nền kinh tế đang nổi lại đang phục vụ cho cuộc sống của các gia đình phương Tây khi họ trở thành lực lượng sản xuất máy giặt, lò vi sóng, tủ lạnh và tivi. Chính khoản tiền tiết kiệm từ việc mua hàng hóa giá rẻ đang làm lợi cho các nền kinh tế phương Tây đồng thời tạo nên thị trường tiêu dùng nội địa mạnh.

Con thuyền kinh tế toàn cầu có thể bị chìm nếu như Mỹ và Trung Quốc không thể cùng hợp tác.

Thực tế, các nền kinh tế đang nổi cũng đang được hưởng lợi như việc có thêm việc làm, giảm đói nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trung Quốc là một thí dụ điển hình khi mà chưa đầy 40 năm qua, 500 triệu người dân nước này đã thoát nghèo đồng thời tạo ra tầng lớp trung lưu không chỉ đủ khả năng mua hàng hóa nhập khẩu mà còn đi du lịch nước ngoài. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng đang trở thành nhu cầu mới cho các thị trường nước ngoài.

Điều đáng nói là phần lớn hoạt động sản xuất đang diễn ra ở các nước đang phát triển trong khi các công ty đa quốc gia ở phương Tây vẫn thực hiện phương thức chỉ chuyển gia các công nghệ lỗi thời cho các nhà máy đặt tại các nước được thuê trong khi giữ công nghệ hiện đại ở quê nhà. Vấn đề này nổi lên trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và bắt đầu tại Mỹ. Theo ông Tang, phải chăng nước Mỹ là quốc gia của những thể chế tài chính phức tạp và những nhà lãnh đạo đầy cảnh giác?

Thực tế, Mỹ đang đặt sự tín nhiệm của họ ngang bằng với một kế hoạch giải cứu. Cụ thể, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiến hành in ra rất nhiều tiền và tình trạng lãi suất thấp đã giúp nền kinh tế Mỹ giữ vững trong khi tạo ra nhiều rắc rối cho toàn cầu. Bởi những đồng tiền giá rẻ đang đổ vào các nền kinh tế mới nổi để tìm cách thu lời trong khi tạo ra bong bóng tài sản. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi FED nâng lãi suất? Liệu rằng những dòng tiền nóng có lại chảy về Mỹ trong khi tạo ra cơn hỗn loạn tài chính đối với các thị trường tiền tệ quốc tế?

Mặc dù mức độ tín nhiệm đang bị thu hẹp nhưng Mỹ vẫn muốn là người đưa ra những quy định thương mại cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là lý do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời với mục đích kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ không công nhận Trung Quốc là đầu máy tăng trưởng ở châu Á – Thái Bình Dương. Thậm chí, Mỹ từ chối công nhận Trung Quốc là nhà lãnh đạo ngang hàng trong khu vực châu Á chứ chưa nói là nhà lãnh đạo thế giới.

Về phần mình, Trung Quốc loại Mỹ khỏi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Bắc Kinh giữ vai trò đứng đầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc loại Mỹ khỏi vị trí đối tác thương mại lớn của tất cả các nước thành viên trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thay vào đó, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy sáng kiến "Một vành đai, một con đường" bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Trung Á nhằm kết nối Bắc Kinh với châu Âu như mạng lưới Con đường Tơ lụa xưa. Tuy nhiên, chiến lược đầy tham vọng này đang tạo ra những mối nguy tài chính, chính trị và xã hội. Nói cách khác, Trung Quốc đang tự đánh cược mình.

Những thông tin liên quan tới hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều khu vực khác xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, Trung Quốc còn là nhà đầu tư lớn nhất ở nhiều quốc gia đồng thời tạo ra lợi ích lớn cho nền kinh tế và thương mại thế giới. Song điều này đồng nghĩa với việc EU hứng chịu hàng loạt bước lùi như việc Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gần rơi vào cảnh phá sản đặc biệt nhất là Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit). Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đang trở thành thách thức đối với hiệu quả hoạt động của EU.

Du khách Trung Quốc tại Milan.

Nói cách khác, những rắc rối mà EU đang phải đối mặt trở thành đòn bẩy đưa Trung Quốc đứng ngang hàng với Mỹ trong lĩnh vực thương mại và kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang bị chia thành 3 cực với một bên là Mỹ, một bên là Trung Quốc và bên còn lại là EU. Nền kinh tế 3 cực cũng đang đẩy Mỹ tới cảnh khó có thể giữ được vị thế là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới suốt một thời gian dài. Cụ thể, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vị thế của Mỹ đang dần bị thay thế bởi sự lãnh đạo chung của Trung Quốc, ASEAN và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc đang ở thế người cầm lái.

Trong khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực do Trung Quốc đứng đầu sẽ sớm được ký kết thì hiệp định TPP của Mỹ lại có khả năng bị bỏ ngỏ khi mà hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều không ủng hộ sáng kiến này. Và trong tương lai, hiệp định do Trung Quốc đứng đầu sẽ trở thành sách luật quy định những quy tắc hoạt động đối với nền kinh tế và thương mại khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Tang, về lâu dài, hiệp định đối tác châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc sẽ sớm lôi kéo Mỹ vào tham gia. Bởi con thuyền kinh tế châu Á đủ rộng để cả Mỹ và Trung Quốc cùng làm thuyền trưởng. Song yêu cầu đặt ra là hai quốc gia này cần phải học cách cùng lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu với EU nói chung. Bởi nếu như không thể cùng hợp tác, những thách thức kinh tế từ Mỹ, EU, Trung Quốc, Brexit, sự trì trệ tại Nhật Bản và tình trạng phá sản của các quốc gia Mỹ Latinh sẽ trở thành sức nặng đánh chìm con thuyền kinh tế toàn cầu.

Và nếu như Mỹ tiếp tục duy trì chính sách "trục châu Á", Trung Quốc sẽ không bao giờ mời Washington tham gia các hiệp định thương mại chung mà Bắc Kinh là người đứng đầu. Đây là lý do ông Tang đặt ra câu hỏi liệu rằng Mỹ sẽ sẵn sàng nhượng bộ để chấp nhận Trung Quốc là nhà lãnh đạo ngang tầm ít nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-va-trung-quoc-se-cung-lanh-dao-kinh-te-chau-a-post212690.info