Mỹ vượt Saudi Arabia, Nga về trữ lượng dầu:Vẫn là số 2

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, dù có trữ lượng lớn nhưng để tung ra một lượng dầu làm khuynh đảo thị trường thế giới, Mỹ cần có thời gian.

Vững vàng ở vị thứ thứ hai

Xung quanh thông tin trữ lượng dầu lửa của Mỹ vượt Saudi Arabia và Nga, trong đó có một nửa là dầu đá phiến, vừa được Công ty Rystad Energy có trụ sở ở Oslo, Na UY công bố, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng điều này chưa thể nói lên điều gì vì còn nhiều yếu tố khác liên quan.

Trước hết, khai thác dầu đá phiến không dễ dàng, nó cần tiền, công nghệ cao và chi phí sản xuất không hề rẻ như Mỹ vẫn tuyên bố.

Chi phí khai thác dầu đá phiến ở Mỹ không hề rẻ như nước này từng tuyên bố

"Cho đến nay, chi phí khai thác dầu lửa ở các nước Vùng Vịnh vẫn là rẻ nhất, thậm chí có mỏ dầu chỉ mất chi phí 5-7 USD/thùng. Riêng đối với Saudi Arabia, chi phí khai thác ở mức khoảng 10 USD/thùng.

Còn đối với dầu đá phiến, dù được đánh giá cao về công nghệ khai thác tiên tiến nhưng chi phí khai thác bình quân không thể dưới 40 USD/thùng, thậm chí có mỏ đến 60 USD/thùng. Do đó, có ý kiến cho rằng, nếu giá dầu rơi xuống 25 USD/thùng, Mỹ sẽ phải đóng cửa toàn bộ các mỏ dầu đá phiến.

Hơn nữa, về trữ lượng dầu lửa nói chung, có thể đến thời điểm này Mỹ có trữ lượng lớn nhất nhưng sau này chưa biết thế nào bởi nếu tính về trữ lượng dầu tự nhiên và khí đốt, Nga vẫn là nước đứng đầu thế giới. Bản thân Saudi Arabia và Nga đến nay chưa thăm dò và tính toán trữ lượng dầu đá phiến của họ bởi với những quốc gia chỉ cần đào đất lên là có dầu như Saudi Arabia, Nga, họ chưa cần làm việc ấy.

Ngay trong trường hợp Mỹ có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới thì để tung ra một lượng dầu làm khuynh đảo thị trường thế giới, Mỹ cũng cần thời gian nữa bởi họ phải đổ ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD đầu tư.

Nên lưu ý rằng, ở Mỹ, đối với các tập đoàn kinh tế, vai trò chỉ đạo của nhà nước chỉ ở mức độ vừa phải bởi đối với họ, lợi nhuận là trên hết, có lợi mới làm. Không dễ dàng để các tập đoàn kinh tế Mỹ sẵn sàng đổ ra hàng nghìn tỷ USD để khai thác, tạo ra lượng dầu đủ sức khuynh đảo thị trường", Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.

Bởi vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng, nếu xét về vị thế của tam cường Mỹ-Nga-OPEC trên thị trường dầu mỏ thì Mỹ vẫn chỉ ở vị trí thứ hai. OPEC, trong đó có Saudi Arabia giữ vị trí số 1 vì chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đứng thứ 2 là Mỹ, sức mạnh của Mỹ trên thị trường dầu lửa đến từ nguồn tài chính dồi dào, hệ thống công nghệ khai thác dầu hàng đầu thế giới nên ở mức độ nào đó, Mỹ ở thế chủ động trên thị trường dầu. Nga khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 3 vì dù có nhiều dầu mỏ, khí đốt trong lòng đất nhưng thiếu tiền, thiếu công nghệ nên không có vai trò quá lớn.

"Mỹ vững vàng ở vị trí thứ 2 trên thị trường dầu mỏ. Đặc biệt, họ có đồng USD mạnh (60% dự trữ ngoại tệ thế giới sử dụng đồng USD), điều này tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ. Nhưng theo quy luật kinh tế cung cầu, OPEC vẫn là tổ chức có tiếng nói quyết định trên thị trường dầu mỏ", ông Cương nhấn mạnh.

Không lo ly khai, lợi nhuận từ dầu chưa phải lớn nhất

Đặt câu hỏi tại sao đến nay Mỹ vẫn chưa nổi lên như một cái tên sáng giá trên thị trường xuất khẩu dầu dù quốc gia này đang nắm giữ trong tay lượng dầu dự trữ cực lớn cũng như đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại suốt 40 năm qua, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho hay, cần phải xem xét lợi nhuận mà ngành dầu mỏ mang lại cho Mỹ đến đâu. Thực tế cho thấy, lợi nhuận của Mỹ chủ yếu nằm ở các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, vũ khí vừa đem lại lời nhanh mà không cần quy mô lớn, chưa kể lợi nhuận từ thị trường tài chính. Việc Mỹ quyết định xuất khẩu dầu một phần xuất phát từ sức ép của các doanh nghiệp dầu lửa của nước này, nhưng đằng sau đó còn ẩn chứa nhiều ý đồ, mà chủ yếu là ý đồ về chính trị, an ninh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-vuot-saudi-arabia-nga-ve-tru-luong-dauvan-la-so-2-3313286/