Myanmar: Ngăn chặn kích động bạo lực

Ngày 9-9, Chính phủ Myanmar cho biết sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi kích động bạo lực, như việc lan truyền tin đồn thông qua tin nhắn điện thoại và mạng xã hội. Ủy ban Thông tin của Chính phủ Myanmar ra tuyên bố đề nghị người dân không gây kích động các cộng đồng và thông báo cho chính quyền về những hành vi nghi ngờ kích động bạo lực. Cùng ngày, chính quyền huyện Moong-đô, thuộc bang miền bắc Rakhine, cũng ra chỉ thị kêu gọi người dân không để các phần tử khủng bố cực đoan lôi kéo, tham gia đốt phá nhà cửa hay tài sản cũng như ngăn chặn các đối tượng này thâm nhập khu vực cấm.

Theo Ủy ban Thông tin của Chính phủ Myanmar, hàng chục vụ tiến công khủng bố xảy ra trong hai tuần qua ở bang miền bắc Rakhine làm 36 người chết, khiến hơn 30.000 người phải sơ tán sang các khu vực dọc biên giới Myanmar và Bangladesh. Hiện quân đội Myanmar đang tiến hành truy quét các tay súng phiến quân thuộc nhóm "Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya" (ARSA) nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại bang này.

* Ngày 10-9, lực lượng phiến quân ARSA tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong một tháng, tức là đến ngày 9-10 tới. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter, ARSA kêu gọi "các nhóm nhân đạo" nối lại hoạt động hỗ trợ nhân đạo trong thời gian ngừng bắn cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc. Hiện quân đội Myanmar chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trước đó, Liên hợp quốc yêu cầu gói viện trợ khẩn cấp trị giá 77 triệu USD cho người Rô-hinh-ghi-a ở bang Ra-khin chạy nạn.

Australia: Tập trận quy mô lớn

Lực lượng quân sự của 20 nước trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, tham gia cuộc tập trận kéo dài bốn ngày (từ ngày 6 đến 10-9) mang tên “Người bảo vệ Thái Bình Dương” tại thành phố Ca-ơn, bang Queensland của Australia, trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuộc tập trận được xem là một phần của việc thực hiện Sáng kiến an ninh hạt nhân, do cựu Tổng thống Mỹ G. Bush phát động năm 2003 với sự tham gia của 105 nước trên thế giới.

Nội dung diễn tập gồm các bài giảng, chương trình huấn luyện trao đổi, tập trận bắn đạn thật, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp đưa ra quyết định nhanh chóng trong trường hợp có sự cố, triển khai nguồn lực để tiến hành ngăn chặn, nhằm tăng cường năng lực giữa các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Australia M. Payne nêu rõ, Australia đang có những bước đi nghiêm túc để bảo đảm an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh an ninh khu vực này phải được lưu tâm do đây là nơi có nhiều tuyến đường thương mại quan trọng.

Iran: Cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Ngày 9-9, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) A. Salehi tuyên bố, Iran vẫn tôn trọng thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc, bất chấp việc Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận này. Theo ông, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận và việc Mỹ từ chối hủy bỏ các lệnh trừng phạt liên quan chương trình hạt nhân của Iran cho thấy Washington không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

* Các nhà lãnh đạo Iran cáo buộc Mỹ đang cố tình hủy hoại môi trường kinh doanh của Iran sau khi đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Tehran. Iran cho rằng, Mỹ đang cản trở các ngân hàng và công ty lớn làm ăn với nước này. Trong khi đó, Iran thông báo đang lên kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án khai thác khí đốt ở mỏ South Pars tại vùng Vịnh, trong nỗ lực khôi phục sản lượng dầu khí kể từ sau khi lệnh trừng phạt quốc tế chống Tehran được dỡ bỏ.

Mali: Khánh thành trung tâm chỉ huy chống khủng bố

Ngày 9-9, Tổng thống Mali I.B. Keita khánh thành trung tâm chỉ huy lực lượng chống khủng bố của các nước G5 Sahel (gồm Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania), đặt tại thị trấn Xê-va thuộc vùng Mốp-ti của Mali. Tiểu đoàn đầu tiên của lực lượng G5 dự kiến bắt đầu hoạt động trong khoảng tháng 9 đến 10-2017, với các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới chung của ba nước Mali, Niger và Burkina Faso.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34046802-myanmar-ngan-chan-kich-dong-bao-luc.html