Myanmar: những ngành sản xuất hấp dẫn đầu tư

SGTT.VN - Hội chợ triển lãm thương mại – dịch vụ 2012 (HCMC Expo 2012) có quy mô lớn lần đầu tiên do TP.HCM tổ chức tại thành phố Yangon của Myanmar vừa kết thúc chiều 16.6. Sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư lần này quy tụ hơn 260 thành viên đại diện cho gần 120 doanh nghiệp và các sở ngành tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Myanmar.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng và ông Kyaw Soe, phó thị trưởng thành phố Yangon, đang trao đổi thông tin với đại diện của SAMCO tại HCMC Expo 2012 ở trung tâm triển lãm Tatmadaw Hall của Yangon.

Hội chợ với quy mô 140 gian hàng của doanh nghiệp TP.HCM, bên cạnh ngôi nhà chung giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM là khu vực trưng bày những mặt hàng, dịch vụ thế mạnh của 70 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thuộc các lĩnh vực như thực phẩm chế biến, nhựa gia dụng, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, trang trí nội thất, dệt may – da giày, điện gia dụng, vật liệu xây dựng…

Phát biểu tại cuộc hội thảo kết nối giao thương doanh nghiệp hai thành phố, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, TP.HCM và Yangon là hai địa phương đầu tiên của Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ hợp tác. Đây là hai trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và văn hóa lớn nhất của hai nước. “Điểm tương đồng này đã mở ra triển vọng hợp tác giữa hai địa phương, là cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Lãnh đạo TP.HCM ủng hộ doanh nghiệp hướng đến hợp tác làm ăn lâu dài tại Myanmar”.

Hội thảo kết nối giao thương trong khuôn khổ sự kiện đã thu hút gần 150 doanh nghiệp Yangon đến gặp gỡ và tìm cơ hội hợp tác. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm đối tác phát triển tại thị trường Myanmar thì nhiều doanh nghiệp Yangon cho biết chú trọng vào các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng, các nhà cung ứng dịch vụ xây lắp và thiết kế, vật liệu xây dựng…

Theo ông Kyaw Soe, phó thị trưởng thành phố Yangon, đầu tư nước ngoài vào Myanmar đang gia tăng nhanh theo chính sách cải cách kinh tế trong nước, đến tháng 4.2012 tổng vốn đăng ký đạt hơn 40 tỉ USD. Ngày càng có nhiều đoàn khách quốc tế đến Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. “Chúng tôi cần sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thủy sản, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng…”, ông Kyaw Soe nói.

Chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng cho biết, kim ngạch thương mại Việt Nam – Myanmar đang tăng nhanh, nếu năm 2011 đạt 169 triệu USD thì năm tháng qua đã đạt 90 triệu USD, dự kiến đạt 200 triệu USD năm 2012. Đầu tư vào Myanmar còn thấp với 43 triệu USD, dự kiến đạt 100 triệu USD năm nay. Nếu tính các dự án đang chờ cấp phép thì đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar hơn 500 triệu USD.

Đại sứ cho biết, thị trường Myanmar thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa tiêu dùng thông dụng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam được ưa chuộng tại đây. Nếu khai thác thành công, doanh nghiệp dễ có cơ hội mở rộng sang thị trường lân cận như Bangladesh. “Tuy nhiên, Myanmar đang mở cửa hội nhập và thay đổi từng ngày về luật đầu tư, về môi trường kinh doanh và thị trường, vì thế doanh nghiệp cần cập nhật thông tin kịp thời”, đại sứ khuyến cáo.

Theo bà Phó Nam Phượng, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), đơn vị tổ chức, chương trình này tiếp theo sau chuyến xúc tiến đầu tư của đoàn lãnh đạo TP.HCM hồi tháng 3, Myanmar được nhận định là thị trường tiềm năng cần nhanh chóng khai thác. “Đây là một trong những hoạt động đẩy mạnh giao thương và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp địa phương nhằm tạo cơ hội thuận lợi hơn để doanh nghiệp TP.HCM vào làm ăn tại Myanmar”, bà Phó Nam Phượng nói.

Đoàn TP.HCM tiếp tục chuyến khảo sát thị trường và kết nối giao thương với các doanh nghiệp tại thành phố Mandalay của Myanmar từ 17 đến 19.6.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/165141/myanmar-nhung-nganh-san-xuat-hap-dan-dau-tu.html