Myanmar trước thách thức từ “ghế nóng” Chủ tịch ASEAN

(PL&XH) - Myanmar trở thành chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào một thời điểm quan trọng của tổ chức này.

Theo giới chuyên gia, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với năng lực ngoại giao của Myanmar, đặc biệt trong vấn đề biển Đông, để tránh không bị xem là một Campuchia thứ hai.

Theo tuần báo “Myanmar Times,” khi nhận biểu tượng Chủ tịch ASEAN từ Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah hôm 10-10, Tổng thống Myanmar Thein Sein mặc dù là người khá trầm tính song không giấu được nụ cười. Sau gần hai thập kỉ Myanmar ở ngoài lề ASEAN, chỉ sau vài năm thay đổi, Myanmar đã được các đối tác ASEAN nhất trí trao chức Chủ tịch ASEAN. Với chính sách luân phiên chức Chủ tịch ASEAN theo thứ tự bảng chữ cái, đáng lẽ Myanmar giữ cương vị này vào năm 2006, song không được do áp lực quốc tế mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền.

Tổng thống Myanmar (trái) nhận biểu tượng Chủ tịch ASEAN từ Quốc vương Brunei. Ảnh: TL

Chuyên gia phân tích Renaud Egreteau nhận định, việc trao chức Chủ tịch ASEAN là sự phê chuẩn mang tính biểu tượng đối với việc Myanmar tái gia nhập cồng động quốc tế, khi mà sự phản đối của các cường quốc phương Tây đã được dỡ bỏ. Chắc chắn nó sẽ giúp Myanmar và ban lãnh đạo nước này thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế”.

Tuy nhiên, Myanmar sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Kyaw Lin Oo - nhà bình luận chính trị độc lập và là điều phối viên Nhóm công tác Diễn đàn nhân dân Myanmar - cảnh báo: “Chức Chủ tịch của Myanmar không phải là công việc dễ dàng ở thời điểm này”. Khó khăn đầu tiên là quá trình chuẩn bị để đăng cai hơn 1.000 hội nghị ngoại giao lớn nhỏ, mà hầu hết sẽ diễn ra ở thủ đô Naw Pyi Taw. Giới truyền thông sẽ để ý nhiều hơn tới một chính phủ vừa mới nới lỏng kiểm soát báo chí. Ngoài ra, Myanmar phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn mang tầm khu vực. Myanmar làm Chủ tịch ASEAN trước khi hiệp hội hoàn tất mục tiêu thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Tuy nhiên, các nền kinh tế phát triển của ASEAN, nổi bật là Singapore, không muốn những nước như Myanmar hay Campuchia tham gia AEC vì cho rằng họ vẫn chưa sẵn sàng.

Ngoài ra, vấn đề nổi bật hiện nay trong chương trình nghị sự của ASEAN là tranh chấp lãnh hải tại biển Đông. Tiến trình soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) chưa đạt được nhiều tiến triển và nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài. Trung Quốc là một trong những đồng minh chính trị và kinh tế gần gũi nhất của Myanmar. Theo ông Kyaw Lin Oo, Bộ Ngoại giao Myanmar nhận thức được những quan ngại trong khu vực về việc Bắc Kinh có thể sẽ tác động đến việc nước này xử lí vấn đề biển Đông trong năm 2014. Trước đó, khi Campuchia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2012, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không ra được tuyên bố chung do những nội dung đề cập tới biển Đông bị xóa bỏ theo yêu cầu của Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Myanmar Aye Mauk cho rằng Tổng thống Thein Sein sẽ tìm kiếm sự hợp tác với cả các nước ASEAN và Trung Quốc về vấn đề này. Ông nói: “Tôi hi vọng Tổng thống có thể xử lí vấn đề này thành công, bởi Trung Quốc là một trong những láng giềng của chúng tôi và chúng tôi có quan hệ gần gũi với họ hơn hầu hết các nước ASEAN”. Trong khi đó, ông Aung Lynn - Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar, cho rằng chính phủ nên hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng ASEAN về COC. Ngoài ra, Myanmar cũng sẽ tìm cách đưa những vấn đề khác vào chương trình nghị sự mà theo họ, cũng quan trọng với tương lai của khu vực.

Đến nay, Tổng thống Thein Sein bày tỏ rất ít quan điểm về tranh chấp này. Ông chỉ cho biết Myanmar sẽ tập trung vào việc “thúc đẩy sự đoàn kết trong một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”. Nhà phân tích Nilanthi Samaranayake của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược CAN ở Mỹ, nhận định nhiều khả năng Myanmar sẽ có cách tiếp cận trung dung. Bà nói: “Myanmar sẽ đi theo con đường thận trọng và cố gắng không để bị xem giống như Campuchia hồi năm ngoái. Myanmar dường như vẫn muốn có những lựa chọn chiến lược khác ngoài Trung Quốc”. Cả hai nhà phân tích Kyaw Lin Oo và Samaranayake đều nhất trí Myanmar sẽ rút ra bài học từ những gì Campuchia trải qua năm 2012.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013102610113522p1003c1036/myanmar-truoc-thach-thuc-tu-ghe-nong-chu-tich-asean.htm