Nabucco và South Stream không hề "cản đường" nhau

VIT - Đường ống dẫn khí tự nhiên Nabucco và South Stream không cạnh tranh mà hỗ trợ lẫn nhau, thành viên hội đồng điều hành dự án Nabucco, ông Werner Auli thuộc công ty Oesterreichische Mineraloelverwaltung (OMV) AG của Áo phát biểu với các nhà báo hôm 21/5.

“Dự án Nabucco và South Stream không cản trở, mà trái lại, bổ sung cho nhau. Đây không phải là sự cạnh tranh giữa các bên mà sẽ là khả năng tăng cường công suất vận chuyển khí đốt”, ông Auli cho biết. Ông khẳng định, các nước sản xuất khí đốt cần khôi phục niềm tin từ phía người tiêu dùng và đảm bảo cung cấp khí đốt không bị gián đoạn cho khách hàng. Gazprom đã liên tục cung cấp khí đốt sang châu Âu trong vòng 40 năm và cần phải khôi phục cơ chế này trong tương lai. Ông lưu ý rằng, hiện nay nhu cầu khí đốt tại châu Âu không ngừng tăng lên sẽ dẫn đến thiếu “nhiên liệu xanh” trong tương lai. Có thể đến năm 2020, châu Âu sẽ thiếu khí đốt. Ông không đề cập tới việc cung cấp khí đốt từ đá phiến sét (loại đá có thể tạo ra khí đốt tự nhiên), bởi việc khai thác loại đá này đòi hỏi chi phí và rủi ro môi trường cao. Ngoài ra, các điều kiện địa chất dành cho việc khai thác đá phiến sét tại châu Âu phức tạp hơn nhiều. Mỹ là nước hiện đang phát triển khai thác loại nhiên liệu này. Chính vì vậy, để tránh thâm hụt khí đốt cần bổ sung công suất vận chuyển khí đốt và việc xây dựng hệ thống vận chuyển khí đốt phải được đảm bảo bằng một môi trường đầu tư thuận lợi. Tất nhiên, khi đó, giá dầu sẽ tăng lên. Trị giá dự án Nabucco ước tính 7,9 tỷ USD nhằm vận chuyển khí đốt sang các nước châu Âu qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Hungary, Romani và Áo. Tuyến đường ống chính của dự án dài 3,3 nghìn km đi qua các thành phố Baku – Tbilisi – Erzurum có khả năng vận chuyển 20-30 tỷ mét khối khí đốt hàng năm. Hai phần ba đường ống đi qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thành viên tham gia xây dựng dự án bao gồm các công ty như: công ty Botas Thổ Nhĩ Kỳ, công ty Bulgarian Energy Holding của Bulgari, công ty MOL Plc Hungary, công ty OMV Gas&Power GmbH của Áo, tập đoàn RWE của Đức và Transgaz của Romani. Mỗi thành viên trên góp 16,67% cổ phần vào dự án. Các đường ống dẫn khí của dự án South Stream có chiều dài gần 900km sẽ chạy qua biển Đen từ thành phố Novorossiysk của Nga tới cảng Varna của Bulgari. Đường ống này có công suất vận chuyển 63 tỷ mét khối khí một năm. Nga sẽ xuất khẩu 35% lượng khí đốt của mình sang các nước châu Âu qua đường ống này.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/mmuctin/kinhte/nangluong/la77234/default.html