Năm 2014: Gia Lai tập trung vượt khó

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2014, Gia Lai tập trung phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt 12,5%, trong đó: nông lâm nghiệp thủy sản tăng 7,04%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,15%, dịch vụ tăng 17,53%; giải quyết việc làm cho 24.000 lao động.

Ông Phạm Thế Dũng. Ảnh: VGP: Minh Hùng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng, trong năm qua, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, nguồn lực đầu tư từ Trung ương cho tỉnh bị cũng giảm sút, nhiều dự án đầu tư bị cắt giảm, đình hoãn, kéo dài; cùng với đó là ảnh hưởng của thiên tai đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của người dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, do lường được trước những khó khăn, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, UBND tỉnh đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, nên nhìn chung kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2013 phát triển đúng hướng; tăng trưởng kinh tế đạt 12,3% (kế hoạch đề ra là 12,5%); tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện 11.390 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch và tăng 10% so với cùng kỳ.

Tổng thu NSNN năm 2013 đạt 3.600 tỷ đồng, đạt dự toán HĐND tỉnh giao; nếu loại trừ việc miễn, giãn, giảm thuế do thực hiện một số chính sách thuế mới với số tiền 118 tỷ đồng thì thu NSNN đạt 103,2% so với dự toán. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy định và đã ban hành một số chính sách riêng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2013, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người đồng bào, nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, công tác xóa đói giảm nghèo, Gia Lai đã tập trung tuyên truyền nhằm làm chuyển đổi nhận thức của cán bộ, người dân trong việc tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, tránh trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đến nay, 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình trong năm 2013 là 101,6 tỉ đồng (vốn Trung ương: 36,44 tỉ đồng; ngân sách tỉnh 15,68 tỉ đồng; ngân sách huyện, thị xã, thành phố 49,48 tỉ đồng).

Tỉnh cũng đã tập trung thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa một số tuyến kênh mương nội đồng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp...

UBND tỉnh đã rà soát, phê duyệt lại 45 xã điểm xây dựng nông thôn mới, bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh 15,5 tỷ đồng, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa, kinh phí khắc phục tủi ro thiên tai do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho các địa phương để đầu tư. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn; 92 xã đạt từ 1-5 tiêu chí, 65 xã đạt từ 6-8 tiêu chí, 23 xã đạt từ 9-13 tiêu chí,; 5 xã đạt từ 14-18 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới.

Rừng cao su ở Gia Lai (nhìn từ trên cao). Ảnh: VGP/Minh Hùng

Bên cạnh đó,tỉnh thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt 2,7% (tương đương 7.217 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23% (tương đương 53.389 hộ), số hộ cận nghèo 23.776 hộ, chiếm tỷ lệ 7,67%. Trong năm 2013, giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động, đạt 100,4% kế hoạch, trong đó xuất khẩu 1.300 lao động. Các doanh nghiệp có dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su sử dụng 763 lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm tỷ lệ 35,1% số lao động vào làm việc.

Chế độ với các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng xã hội được thực hiện kịp thời; hiện 100% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng suốt đời.

Tỉnh đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa; các nhà tài trợ đã đóng góp cho Quỹ an sinh xã hội hơn 32 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố Hà Nội, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam, Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh cũng đã hỗ trợ việc xây dựng hàng ngàn căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ trang bị xe cứu thương cho các bệnh viện.

Về mục tiêu phát triển KT-XH trong năm 2014, ông Phạm Thế Dũng cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, đặc biệt là quán triệt Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong dịp đầu năm mới 2014 và ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc mới đây ở Gia Lai, tỉnh đã tổ chức giao kế hoạch, phát động thi đua thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.

Gia Lai ngày càng đổi mới. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Theo mục tiêu chung, năm 2014, Gia Lai phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 12,5%; trong đó nông lâm nghiệp thủy sản tăng 7,04%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,15%, dịch vụ tăng 17,53%. Về cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 38,44%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,43%; dịch vụ chiếm 29,13% . Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 13.200 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2013. Phấn đấu giải quyết việc làm: 24.000 lao động.

Để đạt được các mục tiêu chủ yếu nêu trên, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đáng chú ý là: Tập trung phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, cao su; áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; thực hiện kết nối người nông dân với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm; khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát được dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và huy động đóng góp của cộng đồng xã hội và dân cư để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2014 có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quan trắc môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tập trung khai thác có hiệu quả công suất các nhà máy hiện có, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án công nghiệp, các nhà máy chế biến đưa vào hoạt động; khuyến khích đầu tư chế biến nông sản ở nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu hàng hóa, sản xuất các loại nguyên liệu, vật liệu thay thế hàng nhập khẩu.

Phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ các ngành dịch vụ như: thương mại, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, du lịch, viễn thông; chủ động tìm kiếm và phát triển các mặt hàng, thị trường xuất khẩu mới. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 33.100 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD.

Làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 14 đoạn Pleiku–Cầu 110, Quốc lộ 19 theo hình thức BOT; phối hợp tốt với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai dự án cải tạo nâng cấp sân bay Pleiku.

Gia Lai phấn đấu năm 2014 tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt trên 2,5% (tương đương 7.140 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 14,73% (tương đương 46.770 hộ).

Minh Hùng (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/nam-2014-gia-lai-tap-trung-vuot-kho/191357.vgp