Năm 2016: Bất ngờ cặp bài trùng Nghệ thuật – Chính trị

2016 chứng kiến một năm đầy biến động của nghệ thuật thế giới, đặc biệt dưới ảnh hưởng của các đợt sóng chính trị lớn.

Từ hồ sơ Panama, Brexit cho đến bầu cử Tổng thống Mỹ, những sự kiện chính trị lớn của thế giới đều ghi lại dấu ấn rõ nét trong nghệ thuật quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, nghệ thuật thế giới cũng trải qua một năm phát triển mạnh mẽ, với rất nhiều tác phẩm mang ấn tượng sâu sắc, gây chấn động cho cả giới chuyên môn và người yêu nghệ thuật toàn cầu.

Nghệ thuật kêu gọi chung tay hành động

Năm 2016, những tác phẩm nghệ thuật không chỉ phản ánh dòng chảy của cuộc sống, mà còn chứa đựng những thông điệp hy vọng về một tương lại tốt đẹp hơn. Nghệ sỹ Trung Quốc Ngải Vị Vị là một trong những gương mặt ấn tượng nhất trong năm, với những dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Một số tác phẩm đáng chú ý của ông bao gồm bức ảnh chụp Ngải Vị Vị nằm úp sấp trên bờ biển, gợi nhớ về hình ảnh cậu bé người Syria Alan Kurdi bị chết đuối từng khiến dư luận thế giới chấn động; “Laundromat” là hàng nghìn bộ trang phục được Ngải Vị Vị thu thập từ một trại tị nạn bị bỏ hoang… Thông điệp người nghệ sỹ muốn nhắn gửi đến người xem rất đơn giản: Nếu chúng ta nhìn thấy, chúng ta sẽ hành động.

Bức ảnh gây tranh cãi chụp Ngải Vị Vị trên bờ biển

Nghệ sỹ Ngải Vị Vị

Hé lộ những góc khuất đen tối của nghệ thuật

Không thể không nhắc đến vụ tiết lộ tài liệu gây chấn động thế giới, còn được biết đến với cái tên Hồ sơ Panama, với những thông tin mật đến từ Mossack Fonseca - công ty luật có trụ sở tại Panama chuyên quản lý tài sản cho giới nhà giàu. Theo trang Artsnews, số lượng tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến các vụ rửa tiền và trốn thuế được hé lộ trong Hồ sơ Panama, có thể “đủ để lập nên cả một bảo tàng nhỏ”.

Một buổi bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại nhà đấu giá Christie's

Thị trường nghệ thuật bất ổn vì Brexit

Hầu như chưa có sự kiện chính trị lại chứng kiến sự đồng lòng đến vậy trong giới văn nghệ sỹ của nước Anh. Từ Damien Hirst cho đến Anish Kapoor, tất cả đều ủng hộ cho một nước Anh là thành viên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tiếng nói của họ đã không thể thắng được quyết định của đại đa số người dân nước này. Sự kiện Brexit đã khiến các thương nhân nghệ thuật Anh thu hẹp các hoạt động của mình; trong khi đó, đồng bảng không ổn định lại giúp hàng hóa tại Anh (bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật) trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các khách hàng nước ngoài.

Tác phẩm graffiti "Mặt trái của BREXIT" - Banksy

Phá hủy nghệ thuật là tội ác chiến tranh

Cuối tháng Tám, Ahmad al-Faqi al-Mahdi – một thành viên của một nhóm cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda đã phải đứng trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì đã tổ chức phá hủy những thánh địa tại Di sản thế giới Timbuktu, Mali. Lần đầu tiên việc tàn phá những công trình văn hóa, nghệ thuật lịch sử được coi như một tội phạm chiến tranh tại ICC, và al-Mahdi đã phải nhận án tù 9 năm. Tuy nhiên, sự công nhận được đánh giá là quá chậm trễ này, đã góp phần khiến nhiều di sản văn hóa vô giá của nhân loại bị biến mất vĩnh viễn trong các cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. Ví dụ gần đây nhất chính là cuộc xung đột hơn 6 năm tại Syria đã phá hủy nhiều thành phố cùng một loạt các công trình, tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị của quốc gia Trung Đông này.

Rất nhiều công trình nghệ thuật giá trị đã bị tàn phá bởi chiến tranh

Nghệ thuật chính trị “đương đầu” tân Tổng thống

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016, ứng cử viên Đảng dân chủ Hillary Clinton nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ giới nghệ sỹ. Đối thủ của bà, tỷ phú Donald Trump gây bất bình với những hứa hẹn chính sách và bình luận đầy tính phân biệt chủng tộc, giới tính và bài ngoại… trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, việc ông Trump giành chiến thắng thật sự đã khiến cả nước Mỹ ngạc nhiên. Giữa những rối ren trong giây phút giao thời giữa hai chính quyền, nghệ thuật mang tính chính trị ngày càng giành được nhiều sự chú ý. Các chuyên gia kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, nghệ thuật và sáng tạo sẽ giữ vai trò quan trọng, hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy những lối suy nghĩ độc lập – một điều không thể thiếu cho bất kỳ nền dân chủ nào.

Ông Donald Trump không nhận được sự ủng hộ của giới nghệ sỹ

Nghệ thuật tìm cảm hứng mới từ công nghệ thực tế ảo

Công nghệ thực tế ảo (VR) được thương mại hóa đồng nghĩa với một nguồn cảm hứng mới cho giới nghệ sỹ. Sự xuất hiện của các thiết bị VR trong các studio nghệ thuật ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tại Triển lãm nghệ thuật Berlin Biennale, nghệ sỹ Jon Rafman sử dụng công nghệ VR trong một tác phẩm dài 3 phút, cho phép người xem được “trực tiếp” chứng kiến sự phá hủy của cả một quảng trường rộng lớn, trước khi bất ngờ bị “nhấn chìm” vào đại dương sâu thẳm. Niko Koppel, một chuyên viên đồ họa của tờ New York Times đã tái tạo lại trải nghiệm khó quên về một vụ nổ súng của cảnh sát, từ góc nhìn của chính nạn nhân.

Công nghệ thực tế ảo trở thành nguồn cảm hứng mới cho nghệ thuật

Bảo tàng mở rộng về cả quy mô và chất lượng

Năm 2016, các bảo tàng lớn trên thế giới đều có những dự án phát triển, hướng tới mục tiêu đưa thêm nhiều nghệ thuật đến đông đảo khán giả hơn nữa. Bảo tàng nghệ thuật đương đại hàng đầu của Anh, Tate Modern đã bỏ ra 260 triệu bảng để mở rộng diện tích trưng bày thêm 60%. Tại Mỹ, công trình trị giá 540 triệu USD, Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc Phi mới khánh thành nhưng đã bán sạch vé cho đến tận tháng 3 năm sau…

Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc Phi

Xu thế này đã một lần nữa khiến các chuyên gia bảo tàng phải đặt ra câu hỏi: nên tập trung nguồn lực để phát triển các trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn tại các siêu đô thị - vốn đã có nhiều cơ hội tiếp cận nghệ thuật hơn cho người dân – hay là đầu tư vào những địa điểm xa xôi, lạc hậu nơi người dân không có nhiều cơ hội được tiếp xúc và thưởng thức nghệ thuật?

Nghệ thuật nâng triệu bước chân trên nước

Một trong những dự án nghệ thuật gây tiếng vang nhất trong năm 2016 là “The Floating Piers” của nghệ sỹ Christo. Một “con đường” phủ vải vàng dài hơn 3km vắt qua hồ Iseo nổi tiếng ở miền Bắc nước Ý, đã giúp hơn 1,2 triệu người xem được trải nghiệm cảm giác bước đi trên mặt nước. Với hơn 45 năm “thai nghén” tác phẩm, Christo và người vợ quá cố của mình - nghệ sỹ Jeanne-Claude, được đánh giá là những người tiên phong, đã tạo nên cuộc cách mạng về quy mô cho các công trình nghệ thuật cộng đồng. Tổng chi phí của “The Floating Piers” lên tới 17 triệu USD, đến từ các nguồn tài trợ do chính tác giả tự mình gây quỹ.

Christo biến giấc mơ bước đi trên nước của hàng triệu người thành sự thật

Nghệ thuật hướng tới tương lai

Cuối tháng Mười một, diễn đàn thiết kế nổi tiếng Design Miami tuyên bố sẽ hợp tác với Liên Hợp Quốc nhằm đem tới những cá nhân có tố chất lãnh đạo trong lĩnh vực thiết kế và kiến trúc, hướng tới mục tiêu quảng bá phát triển đô thị bền vững. Tại Cung điện Versailles, nghệ sỹ Olafur Eliasson gây ấn tượng với bộ ba tác phẩm lấy đề tài biến đổi khí hậu; trong đó có một thác nước nhân tạo khổng lồ giữa không gian, được tạo ra nhằm kêu gọi mọi người tăng cường nhận thức về sinh thái và môi trường. Hồi tháng Ba, hội chợ nghệ thuật quốc tế hàng đầu Art Basel đã đưa ra sáng kiến có tên gọi “Art Basel Cities”, sử dụng nghệ thuật để hỗ trợ phát triển kinh tế và đô thị tại các thành phố lớn trên thế giới.

Thác nước nhân tạo của Olafur Eliasson bên ngoài cung điện Versailles

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nam-2016-bat-ngo-cap-bai-trung-nghe-thuat-chinh-tri-224111.html