Năm 2016 sẽ không tăng giá điện?

Giá bán điện bình quân năm 2015 được Tập đoàn Điện lực (EVN) công bố là 1629,8 đồng/kWh (giá chưa kiểm toán). EVN tính toán rằng giá bán điện bình quân cho năm 2016 dự kiến cao hơn 21 đồng so với giá bình quân thực tế năm 2015. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN lại tiếp tục khẳng định sẽ không tăng giá điện trong năm nay.

Dù giá bán điện bình quân năm 2016 dự kiến cao hơn giá bình quân thực tế năm 2015 nhưng lãnh đạo EVN khẳng định sẽ không tăng giá điện trong năm nay. Ảnh TL

Trao đổi với TBKTSG Online sau buổi công bố giá thành sản xuất điện năm 2014 tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri nói: “Năm 2016 sẽ không tăng giá điện”. Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đinh Thế Phúc cũng khẳng định tại cuộc họp báo với các phóng viên rằng EVN chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị tăng giá điện trong năm nay.

Nhưng thực tế, trong Báo cáo tổng kết về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 và phương hướng mục tiêu năm 2016, EVN có nêu rõ giá điện bình quân dự kiến năm 2016 là 1.651,2 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn giá điện bình quân thực tế năm 2015 mà EVN thu được từ 21,2 đồng đến 21,4 đồng.kWh; còn so với giá bình quân được Chính phủ điều chỉnh hồi tháng 3-2015 là 1.622 đồng/kWh) thì mức giá chỉ tiêu năm 2016 cao hơn gần 30 đồng/kWh.

Như vậy phải hiểu thế nào về thông tin không tăng giá điện trong năm 2016 trong khi giá đề xuất thực tế của EVN sẽ tăng cao hơn 21 đồng/kWh?

Theo giải thích của ông Đinh Quang Tri, giá điện bình quân thực tế mà EVN dự tính cho năm 2016 sở dĩ sẽ cao hơn 2015 vì dự tính điện dùng cho sinh hoạt sẽ tăng cao hơn so với năm trước. “Nếu điện dùng cho sản xuất tăng thì giá điện bình quân thực tế tăng ít. Còn điện dùng cho sinh hoạt tăng nhiều thì giá điện bình quân thực tế sẽ tăng cao vì giá điện sinh hoạt (do tính theo bậc thang) cao hơn giá điện bán cho sản xuất”. Ông Tri nói thêm rằng, mức tăng giá bình quân thực tế dự tính là tăng tự nhiên, chưa phải tăng do EVN đề xuất tăng giá bán lẻ điện.

Theo tính toán của EVN, tình hình tích nước cuối năm 2015 của các hồ thủy điện thiếu hụt tương đương 2,5 tỉ kWh. Dự kiến tình hình thủy văn sẽ không thuận lợi, khả năng khô hạn trên diện rộng trong nửa đầu năm 2016 do tác động của El Nino. Trong khi đó nguồn thủy điện mới là nguồn năng lượng tái tạo có giá mua rẻ nhất so với các nguồn năng lượng khác.

Cũng theo ước tính, năm 2016, tổng công suất các nguồn điện trên toàn hệ thống ước đạt 38.800 MW, trong đó có 3.500 MW điện mới dự kiến đi vào vận hành. EVN dự tính sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng 11% đến 12% so với năm 2015.

Tuy tuyên bố chưa đề xuất tăng giá điện, song EVN cũng không quên nhắc các tác động do điều chỉnh tỉ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ trong năm 2015, giá bán than cho sản xuất điện tăng từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng là những yếu tố chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành, và các yếu tố này sẽ có áp lực lớn lên tình hình tài chính của EVN.

Mấy năm gần đây, năm nào EVN cũng báo lãi, tuy rằng lãi không nằm ở ngành chính là sản xuất kinh doanh điện. Ông Đinh Quang Tri công bố rằng năm 2014, sau kiểm toán tuy EVN vẫn lãi cuối cùng 823,83 tỉ đồng, song mức lãi này chưa hạch toán 5.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá khi EVN vay ngoại tệ để đầu tư các dự án.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/142155/nam-2016-se-khong-tang-gia-dien.html/