Năm 2017, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 5

Đây là một dự án giao thông đô thị quan trọng ở Thủ đô, một trong những tuyến hành lang giao thông có tiềm năng lớn ở khu vực phía Tây, liên kết các trung tâm kinh tế chính trị mới...

Trên 1,5 tỷ USD là tổng mức đầu tư dự kiến cho tuyến đường sắt đô thị số 5 ở Thủ đô Hà Nội, đoạn từ Nam Thăng Long - Láng - Hòa Lạc. Dự án này sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, do một nhà thầu VN và 6 nhà thầu Hàn Quốc thực hiện với thời gian khai thác 50 năm. Trong chuyến thăm và làm việc với Chính phủ Hàn Quốc mới đây, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC) và 7 nhà thầu, tư vấn của Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 (tuyến Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) ở Thủ đô Hà Nội theo hình thức BOT. Đây là một dự án giao thông đô thị quan trọng ở Thủ đô, một trong những tuyến hành lang giao thông có tiềm năng lớn ở khu vực phía Tây, liên kết các trung tâm kinh tế chính trị mới như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia, Khu hành chính Quốc gia, Khu Đại học Quốc gia HN, Khu làng văn hóa các dân tộc VN, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các khu đô thị mới dọc tuyến… Theo nghiên cứu của TRICC, tuyến đường sắt đô thị số 5 có chiều dài 33,5 km gồm 22 ga với đường đôi khổ 1,435 m, trong đó có đoạn đi ngầm, đi trên cao và đi trên mặt đất. Tổng mức đầu tư dự kiến cho tuyến đường này khoảng 1,5 tỉ USD. Điểm đầu của tuyến bắt đầu từ Nam Hồ Tây, qua khách sạn Daewoo, Big C, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dọc theo đường Láng - Hòa Lạc và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đặc điểm nổi bật của tuyến đường này là phần trong giới hạn Vành đai III sẽ đi ngầm, sau đó qua Trung tâm Hội nghị Quốc gia tuyến đường sắt này lại đi nổi, trong đó điểm đầu của tuyến sẽ được kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (sân bay Nội Bài - Thượng Đình) và tuyến đường sắt đô thị số 3 tại khách sạn Deawoo. Cuối năm 2008, khi tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, Cục Đường sắt VN đã tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt này. Theo ước tính sơ bộ của Tổ hợp liên danh VKRC (hiện đang thực hiện đề xuất dự án), tổng mức đầu tư của dự án sẽ khoảng 1,5 tỷ USD. Theo biên bản ghi nhớ mới đây tại Hàn Quốc, tham gia nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 gồm 2 công ty tư vấn và 5 nhà thầu, nhà đầu tư, trong đó có một công ty tư vấn của VN là TRICC. Một công ty tư vấn của Hàn Quốc là Dongrim và 5 nhà thầu, nhà đầu tư gồm: Namwang; Korail; Công ty tài chính OX; Công ty Hyundai Rotem; Công ty LS; Công ty CP quốc tế Sài Gòn (Hàn Quốc). 8 nhà thầu trên đã thành lập tổ hợp lấy tên là Liên danh đường sắt Việt Hàn (VKRC). Hiện nay 8 nhà thầu trên đang khẩn trương hoàn thành đề xuất dự án theo quy định của Nghị định 78/CP để trình Cục Đường sắt VN. Dự kiến công việc nghiên cứu khả thi sẽ hoàn thành giữa năm 2011, để có thể thu xếp vốn và thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2017 và hoàn vốn vào năm 2043. Theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ được chia làm 2, giai đoạn 1 sẽ làm 11,3 km gồm 10 ga; Giai đoạn 2 với 22,2 km gồm 12 ga theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đôi khổ 1435mm, tải trọng trục 14-16 tấn. Thành phần đoàn tàu giai đoạn 1 là 4 toa, giai đoạn 2 là 6 toa. Tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án đường sắt có quy mô lớn và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT. Được biết, tham gia vào dự án này nhà đầu tư sẽ được giao đất sạch, với các công trình phụ trợ thì tỷ lệ hỗ trợ sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng và các luật khác của VN. Theo các chuyên gia thì tuyến đường sắt đô thị số 5 có tính khả thi cao, hấp dẫn lớn vì nối Nam Hồ Tây với Hòa Lạc, Hồ Tây, là tuyến vào sâu trung tâm, tuyến có hành lang rộng, có đường lớn và đẹp nhất Thủ đô như đường Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh. Hy vọng rằng, thời gian tới đây việc thương thảo các điều kiện sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích của các nhà đầu tư và phía VN để sớm có được một tuyến đường sắt đô thị mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Tây cũng như giảm ách tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Theo Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất thành phố cho kết cấu hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư khoảng 287.800 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có nhiều tuyến đường sắt đô thị được xây dựng, đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học… Cụ thể đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 5 tuyến. Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên, Như Quỳnh) dài 38,7 km; Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) dài 35,2km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai và tuyến số 3 (Nhổn- ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km; Tuyến số 4 có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và số 5. Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) dài khoảng 34,5km, có chức năng nối trung tâm thành phố với các khu đô thị dọc theo hành lang Láng - Hòa Lạc.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/van-tai/Nam_2017_Ha_Noi_se_co_tuyen_duong_sat_do_thi_so_5/