Năm 2050 Việt Nam vượt Thái Lan, Canada: 'Quá lạc quan và viển vông'

Các nhà kinh tế cho rằng dự đoán kinh tế Việt Nam lớn thứ 20 thế giới, vượt qua những nước như Italy, Thái Lan vào năm 2050 của hãng tư vấn PwC là “quá lạc quan” và “viển vông”.

Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) mới đây đưa ra dự đoán khiến nhiều người bất ngờ. PwC cho biết GDP theo phương pháp sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 thế giới với 3.176 tỷ USD vào 2050.

Kinh tế Việt Nam được PwC dự báo sẽ xếp thứ 20 thế giới vào 2050.

Cũng theo dự đoán này, sau 33 năm nữa, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 28.200 USD, tức gấp hơn 4 lần hiện tại.

Kết quả phân tích của PwC dự báo nền kinh tế thế giới tăng gấp đôi quy mô vào 2050, vượt xa tốc độ tăng trưởng dân số nhờ vào những cải tiến công nghệ.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là Trung Quốc, nếu tính theo phương pháp PPP. Ấn Độ sẽ soán ngôi Mỹ để xếp vị trí thứ hai. Xếp thứ tư là đại diện đến từ Đông Nam Á, Indonesia.

Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn từ nay đến 2050, với tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 5%, theo PwC.

Thái Lan, nền kinh tế hiện đang xếp trên Việt Nam sẽ tụt lại phía sau vào 2050 với vị trí thứ 25, kém Việt Nam 5 bậc.

Video: Kinh tế Việt Nam sau những chuyến đi của Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama

“Lạc quan”

Trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News về dự báo này của PwC, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng dự báo kinh tế Việt Nam vượt Ý và Thái Lan vào 2050 là đã “quá lạc quan”.

PGS TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Việt Nam.

PGS. TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Việt Nam nói: “Tôi thấy dự đoán hơi quá lạc quan. Nhìn vào thực tế có thể thấy nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, có thể khá hơn nhưng mà đến mức ấy thì quá lạc quan. Mà họ chỉ đánh giá trên tiêu chí sức mua tương đương, sức mua thật mới quan trọng”.

“Đến 2050 kinh tế Việt Nam có nhiều tiến triển nhưng không đến mức ấy đâu. Kinh tế Việt Nam 100 năm nữa cũng không đuổi kịp Thái Lan đâu”, PGS. TS Đỗ Đức Định nói thêm.

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: “Tôi nghĩ là dự báo này khá lạc quan”.

Có 3 cơ sở để TS Nguyễn Trí Hiếu tin rằng kinh tế Việt Nam khó vượt Ý và Thái Lan vào 2050.

“Thứ nhất, thời gian quá xa để dự báo chính xác. Thứ hai, khi mình tăng trưởng thì các nền kinh tế khác cũng tăng trưởng. Thứ ba, nền kinh tế toàn cầu đang biến chuyển rất mạnh. 30 năm tới đây, có thể nó sẽ khác so với 30 năm vừa qua”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tiến trình toàn cầu hóa đang bị một số những biến động chính trị làm “đổi dòng”.

“Việc Anh rời khỏi liên minh Châu Âu, ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ rồi tới đây có thể là bà Marine LePen của Pháp.., tất cả hiện tượng đó cho thấy tiến trình toàn cầu hóa đang bị lật ngược lại. Thành xu hướng chung hay không còn chưa biết được nhưng rõ ràng tại thời điểm này dự báo cho 30 năm sắp tới nhất là trên cơ sở của 30 năm vừa qua thì có lẽ là không chuẩn”, chuyên gia tài chính kỳ cựu này nói.

Nhà tài chính người Mỹ gốc Việt, ông Bùi Kiến Thành khi được đề nghị cho biết quan điểm về dự báo trên đã không đưa ra bình luận bởi theo ông thời gian dự báo quá dài và “viển vông”.

Động lực và lực cản

Dù không mấy lạc quan về triển vọng lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất vào 2050 nhưng các chuyên gia kinh tế cùng nhất trí rằng có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế nước ta ở giai đoạn đang phát triển, thị trường mới nổi nên sức bật, sức tăng trưởng cao hơn nhiều so với thị trường lâu đời.

Việt Nam lại nằm ở vị trí thuận lợi về hàng hải, không lưu, trên đường dịch chuyển hàng hóa khu vực và thế giới.

Thứ ba, dân số trẻ, năng động có nhiều đóng góp vào sức bật nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam 100 năm nữa cũng không đuổi kịp Thái Lan đâu

PGS. TS Đỗ Đức Định

Cuối cùng, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế ngày càng đi vào sự ổn định, tăng trưởng bền vững. Nợ xấu, lạm phát, bội chi công dần dần được kiểm soát.

PGS. TS Đỗ Đức Định cho rằng động lực lớn nhất là Việt Nam đã có những thay đổi về tư duy.

Ông Định nói: “Những cái mà trước đây người ta tin là có vai trò lớn nhất, động lực lớn nhất thì bây giờ người ta không còn tin vào nó nữa. Ngược lại, những thứ ngày xưa người ta đánh giá thấp nó thì ngày nay người ta tin cậy nó”.

“Trước hết, nói về mặt lý thuyết, quan trọng nhất là ngày nay chúng ta đã thấy tầm quan trọng của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường của chúng ta còn chưa đầy đủ, chúng ta đã nhận thấy cái đó và có những thay đổi rồi”, PGS. TS Đỗ Đức Định nêu quan điểm.

“Đó là lý thuyết, còn trên thực tế, trước đây mình xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo thì bây giờ mình nhìn nhận kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển”, PGS. TS Đỗ Đức Định nói thêm.

Nhìn vào động lực song cả PGS. TS Đỗ Đức Định và TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra những “gót chân Asin” đang là lực cản của nền kinh tế.

PGS. TS Đỗ Đức Định quan điểm: “Vật cản lớn nhất là kinh tế quốc doanh, nhiều doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi mọi tài nguyên, vốn nhưng lại không tạo được thương hiệu như kỳ vọng”.

Trong khi đó, theo PGS. TS Đỗ Đức Định, khu vực kinh tế tư nhân dù đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế song vừa yếu lại thường xuyên bị “bắt nạt”.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, một trong những lực cản lớn là nền kinh tế Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường thuần thục, chưa được vận hành theo cung cầu hoàn toàn.

Cùng với đó, lao động năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm và môi trường sinh học ngày càng bị phá hủy mạnh mẽ cũng là lực cản tăng trưởng.

Cơ hội

Trả lời cho câu hỏi cơ hội nào cho sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm tới, PGS. TS Đỗ Đức Định cho biết để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới thì “tư nhân phải có vai trò động lực cơ bản của kinh tế thị trường”. Tiếp đến là phải xử lý các trở lực như nợ xấu, nợ công và bội chi ngân sách.

Thành xu hướng chung hay không còn chưa biết được nhưng rõ ràng tại thời điểm này dự báo cho 30 năm sắp tới nhất là trên cơ sở của 30 năm vừa qua thì có lẽ là không chuẩn

TS Nguyễn Trí Hiếu

“Đó là những vật cản buộc xử lý để tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển” “Cuộc đổi mới 30 năm tiếp theo có thực hiện được hay không thì còn phải chờ. Cơ cấu kinh tế muốn bước sang cuộc các mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 thì phải nâng dần chất xám trong hoạt động kinh tế lên, giảm bớt lao động giản đơn quá nhẹ nhàng đi, phải kiểm soát chặt chẽ nợ công và tham nhũng …”, PGS. TS Đỗ Đức Định nói.

Cũng theo PGS. TS Đỗ Đức Định, nền kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào nước ngoài và chúng ta phải nhanh chóng cải thiện điều này nếu không muốn nền kinh tế chịu nhiều rủi ro.

“Chúng ta thành lập rất nhiều Viện nghiên cứu nhưng chẳng nghiên cứu cái gì cả, thành lập hàng loạt nhà máy xí nghiệp cũng là điện tử này nọ nhưng mà chỉ gia công phục vụ cho người ta thôi, cũng thành lập ngành ôtô nhưng mà bao nhiêu năm đến giờ đến cái ốc vít cũng chưa sản xuất được… Phải để doanh nghiệp tự quyết định vận mệnh của mình, có thế mới phát triển được, thoát khỏi phụ thuộc vào nước ngoài”, PGS. TS Đỗ Đức Định quan điểm.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân từ khởi sự đến làm ăn nhờ Chính phủ mới.

“Chính phủ mới với chủ trương là một Chính phủ kiến tạo đã có sáng kiến mới để phát triển kinh tế, tôi nghĩ rằng việc thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp là điều rất quan trọng. Vai trò hỗ trợ của Chính phủ là rất lớn, càng ngày nền kinh tế Việt Nam càng được cải tiến, nhưng phải làm sao đẩy mạnh 3 khâu: cải tổ hệ thống ngân hàng, cải tổ doanh nghiệp có vồn Nhà nước và cải tổ đầu tư công”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

“Nếu làm được điều này, kinh tế Việt Nam có thể không được top 20 thì cũng có thể ở top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới”, ông Hiếu nhìn nhận.

>>> Đọc thêm: Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, chuyên gia kinh tế Việt: 'Mỹ là thành viên đứng đầu nhưng không phải tất cả'

Hoàng Hưng

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/nam-2050-viet-nam-vuot-thai-lan-canada-qua-lac-quan-va-vien-vong-d302743.html