Nam Cao làm tòa soạn

LTS: Số Tinh hoa Việt 33, chúng tôi đã giới thiệu những ngày làm báo Cứu Quốc của nhà văn Tô Hoài qua tác phẩm Tự truyện 1947 của ông. Còn số báo này chúng tôi lược trích từ đó hình ảnh nhà văn Nam Cao những ngày làm tòa soạn báo Cứu Quốc Việt Bắc – ở đó Nam Cao vào Đảng và viết Đôi mắt - qua trang viết sinh động của nhà văn Tô Hoài.

Chân dung nhà văn Nam Cao. (Tranh sơn dầu của Nguyễn Lê Huy).

Một buổi tối, quanh ánh lửa sưởi trong hốc núi ở Cốc Phường có một cuộc họp quan trọng của cơ quan. Xuân Thủy báo tin: báo Cứu Quốc Trung ương sẽ chuyển về căn cứ khu 12. Nhưng nhiệm vụ tuyên truyền tổ chức đồng bào Việt Bắc đương trực tiếp chiến đấu càng phải phát triển. Đoàn thể đã quyết định thành lập báo Cứu Quốc Việt Bắc phát hành ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn - Cao Bắc Lạng căn cứ địa của khu giải phóng cũ.

Tôi được phân công chịu trách nhiệm chung và làm bí thư chi bộ Đảng của báo mới thành lập. Nguyễn Bá Lợi, quản lý báo. Một mình Nam Cao tòa soạn. Một mình họa sĩ Trần Đình Thọ làm "nhà in". Trần Đình Thọ viết và lăn đá li-tô. Nguyễn Tiêu phụ trách "điện đài", nghĩa là săn sóc cái đài thu thanh chạy pin để ghi chép tin tức. Cảnh đánh máy. Sáu Hồng, Phúc Mơ nhà in, nhà chữa, chúng tôi sẽ lắp lên cái máy mi néc đạp chân.

Cơ quan chính rút đi, vượt núi sang Chợ Đồn giữa quãng Vàng Kheo. Mấy hôm, mưa trơn lầy lội dốc núi đoàn người và máy chuyển xuống phía Chợ Lạng. Không biết phải bao nhiêu ngày mới về tới được rừng Yên Thế bên kia.

Mấy chúng tôi ở lại. Chủ nhiệm Việt Minh Toàn giúp cho chúng tôi mặc như đồng bào địa phương. Quần áo chàm, túi chàm, mũ nồi chàm. Toàn lại đưa chú Mộc đến làm liên lạc. Mộc người ở Thạch Ngòa. Tối đến, chú Mộc dạy chúng tôi tiếng Tày.

Báo Cứu Quốc Việt Bắc đã ra đời.

Đầu tiên, bắt liên lạc với tỉnh ủy Bắc Cạn. Trần Đình Thọ mở một lớp dạy in đá li-tô cho cán bộ tuyên truyền của tỉnh. Nam Cao cũng học lăn li-tô. Anh còn viết rồi in truyền đơn địch vận chữ Pháp cho hội Phụ nữ châu Chợ Rã.

Đến xóm người Dao ở Cốc Phường xa hẳn đường cái, có thể tránh được Tây đánh úp thình lình. Gọi là xóm, kỳ thực chỉ ba túp lều nền đất. Vào tận nơi vẫn chỉ thấy cây và đá, chưa nhận ra chỗ người ở.

Ở nhà Chẩn. Chẩn còn mẹ, em gái là Liễu và người em trai, Pảo. Mới tháng trước, Pảo đương ngồi trước cửa, có một con gấu đi qua. Con gấu tát Pảo một cái, Pảo mất một bên má. Bây giờ, mật gấu bôi còn vàng xuộm cả mặt.

Ở Cốc Phường, nghe tiếng súng chìm xa xa dưới chân núi. Tôi cho tòa soạn báo và nhà in ở hai nơi cách xa. Cốc Phường chỉ mới là nơi dừng chân. Ở đây, mỗi nhà đều có một chỗ trong rừng, bí mật, chỉ nhà mình biết. Nam Cao và Trần Đình Thọ theo Chẩn. Không phải đi cho vui hai người. Mà chúng tôi bảo vệ cái "máy in" Trần Đình Thọ. Máy "mi néc" đạp chân còn quẳng một đống ở cửa rừng sau Bản Hậu. Như vậy, “máy” Trần Đình Thọ đương cần thiết. Nếu chưa lắp được máy, phải ra báo in li-tô. Thế thì một mình Trần Đình Thọ là cả một nhà in rồi. "Tòa soạn" Nam Cao và "nhà in" Trần Đình Thọ phải ở liền với nhau.

Trên đỉnh núi, trong rừng sâu, cái lán nhỏ nhô ra bên một gốc trám cổ thụ. Phải xuống một quãng mới tới ngọn nước. Hàng ngày, Nam Cao và Trần Đình Thọ xuống lấy nước về thổi nấu. Theo cách đi đứng đảm bảo bí mật, từ bờ suối lên, không để một vết tích của con người. Hai anh ở lán với mẹ đồng chí Chẩn. Suốt ngày, Chẩn đi nương, có khi ngủ ngay ở lều. Còn tôi, khi xuống xã, khi đi họp châu, họp tỉnh, khi ở chỗ nhà in dưới lán gần làng. Thỉnh thoảng mới có đêm lên đây.

Chúng tôi lại đổi sang núi Vàng Kheo, trên lối đi Píc Cáy.

Lán dựng cho chiếc máy minéc đã làm xong. Nhưng Trần Đình Thọ vẫn lăn li-tô. In truyền đơn hộ trung đoàn 72 và cô Ngọc Bảo, cán bộ phụ nữ châu Chợ Rã. Cái máy minéc chỉ làm đủ việc báo. Bây giờ không phải chỉ một mình Trần Đình Thọ mà cả "tòa soạn" Nam Cao cũng lăn li-tô. Trần Đình Thọ trở nên nhà kỹ thuật viết chữ ngược, quét nước chanh và quệt mực. Nam Cao mắm môi mắm miệng lăn, lăn lăn... Truyền đơn địch vận (bằng tiếng Pháp) Hoàng Xuân Tùy, chính trị viên trung đoàn 72 bên Nà Đông gửi sang nhờ in cả tuần lễ không ngơi tay.

Bút ký Ở rừng của Nam Cao viết trong những ngày ở núi Vàng Kheo. Hai buổi thổi cơm ăn xong, lăn li-tô một lúc, lại ngồi lúi húi viết. Cả cái truyện ngắn Tiên sư thằng Tào Tháo rồi Nam Cao tự đổi là Đôi mắt cũng được viết ở chỗ đèo heo hút gió ấy. Cũng ở đấy, tôi bắt đầu viết tập truyện ngắn Núi Cứu Quốc. Một lần xuống Đại Từ về Thái Nguyên, tôi đã đem đưa những sáng tác của chúng tôi cho Nguyễn Huy Tưởng ở hội Văn Nghệ.

Suốt ngày, Nam Cao ngồi bên thành chuồng gà cạnh bếp. Chuồng gà ở dưới đầu giường, nghe tiếng gà đinh tai ngay dưới gáy. Nam Cao tựa lưng vào chuồng gà, bảo ngồi thế cho ấm, bọ mạt bò vào lưng cắn không biết ngứa, đã quen.

Bao giờ Nam Cao cũng có cách cắt nghĩa về bất cứ một cử chỉ nào của mình. Anh thường lý luận và nhận xét khẳng định thiết thực, lại vui vui, gàn gàn. Anh bước ra, đứng đái ở đầu sàn. Những con trâu quanh đấy đã biết lệ, nghe tiếng người, liền chạy lại, hếch mũi lên, khoan khoái hứng nước thải. Bao giờ anh cũng đợi cho trâu đến đông. Bảo là khỏi phí.

Trâu núi cũng thiếu muối. Ở nước đái, ở lưng áo và ở chiếu có hơi muối. Phơi áo phơi chiếu cẩn thận, kẻo trâu chén mất.

Anh lại bảo: hút thuốc lá tất nhiên dẫn đến bệnh ho lao. Nói thế, những khi Trần Đình Thọ đẽo cho chúng tôi mỗi người một cái tẩu gỗ, đầu tẩu tạc một mặt Tây mũi lõ. Nam Cao hút tợn. Lúc ấy anh cười mà nói rằng hút thuốc chống rét cần hơn, nhiễm lạnh còn dễ ho lao hơn hút thuốc. Cũng phải nói, thuốc lá núi Phia Boóc những năm ấy cũng là cái chống rét hiệu nghiệm. Lưng có chuồng gà ủ, - mặc dầu bọ mạt bò rần rần trên người. Trước mắt có lửa sưởi, trên mặt đượm hơi thuốc lá. Đấy cũng là những phương tiện giúp đỡ tòa soạn làm việc.

Nhưng có một chuyện tôi nhớ mãi, câu chuyện đã làm những "nhận xét khẳng định” của Nam Cao đổ vỡ. Trong bút ký Ở rừng Nam Cao có một đoạn triết lý về con người, ấy là khi anh nghĩ đến mình, đến vợ con đương ở vùng tạm chiếm dưới khu Ba. Anh viết rằng con người ta phải vào lửa mới có thử thách, cũng như người có xuống sông bơi mới biết bơi. Cái triết lý cũng không lấy gì là mới ấy đã nảy ra hôm chúng tôi khuân đồ đạc từ lán bí mật ở Cốc Phường leo núi sang Vàng Kheo. Những người khác đi làm lán máy in. Mộc đi liên lạc. Nam Cao, Trần Đình Thọ và tôi ở lại dọn cơ quan. Ba lô, đồ đạc đem hộ mỗi người lại chia nhau khuân hết tất tật các thứ giấy, mực, phiến đá mài, cái lô lăn, mọi đồ dùng in li-tô của "nhà in" Trần Đình Thọ, lại nồi xoong thổi cơm, lại những bao gạo. Chúng tôi đeo tất cả. Đi mấy chuyến, suốt ngày cật lực.

Cũng chẳng phải một công việc ghê gớm gì trong những ngày long đong ở đây. Nhưng mấy ngày sau Nam Cao còn phải bóp chân nước nóng. Anh lại có những khẳng định mới. Nam Cao nói: “Thế là mình không đau tim. Thì ra cái lão đốc tờ ở Nam Định ngày ấy đã nói láo". Ngày trước, khi anh bôn ba vào Nam Kỳ rồi ốm bệnh phù phải trở về, anh đã học ôn lấy, rồi đi thi đíp lôm. Đỗ rồi, anh xin thi vào làm thư ký tòa sứ ở Nam Định. Nhưng khám sức khỏe, đốc tờ bảo anh “đau tim”.

Những người bệnh đau tim và ho lao thì không được làm công chức luật lệ của Tây thế. Câu chuyện này, mỗi khi Nam Cao kể, tôi cho là lại không có tiền đấm mõm cho nên lão đốc tờ phong bệnh cho đấy thôi. Nhưng bao giờ Nam Cao cũng cãi lại. Anh tin ở "khoa học" là anh đau tim thật.

Sau cái chuyến vác nặng sang Vàng Kheo mà chỉ đau bắp chân, rồi còn nhiều lần đổi cơ quan, phải vác, đi xa nữa, nặng nữa, anh lại “xà lù" chửi thằng đốc tờ gà mờ và anh lại có một nhận xét mới: "Thế là mình không đau tim, tim mình khỏe chẳng khác tim các cậu". Anh tin như thế và anh đã viết vào bút ký Ở rừng rằng có bơi mới biết bơi, Mai Thiên con ơi!

Báo đã được in máy cẩn thận. Mỗi tuần hai số, bốn trang bằng cái quạt nan.

Trong cả mấy đống tài liệu báo Cứu Quốc Trung ương để lại, tập báo Việt Nam độc lập in hồi bí mật ở Cao Bằng là quý nhất. Chúng tôi học báo Việt Nam độc lập của Bác Hồ mà làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Một cái tin ngắn Nam Cao cũng viết có nháp, sửa đi sửa lại. Viết rồi đem đọc cho chú Mộc nghe. Có khi đọc cả cho các em bé ở các lán quanh đấy hay quấn quít đến chơi với chúng tôi. Rồi lại sửa lại. Cứ thế, một cái tin, một câu ca dao cũng làm theo lối này. Chúng tôi chữa lại, tờ báo nôm na hơn, dễ hiểu hơn. Đôi khi, bài ca dao của Nam Cao ký tên là Suối Trong lại in lời dịch ra tiếng Tày của Nông Quốc Chấn hoặc một bài xã luận cả hai thứ tiếng Kinh và tiếng Tày.

Những công việc tưởng dễ, đối với những người đã làm nghề viết như chúng tôi. Vậy mà chẳng dễ dàng. Khi Nam cao viết bài, đem đọc đem chữa, viết lại cả buổi. Loay hoay vẫn chưa yên tâm, còn chữa được nữa. Tôi nhớ năm trước viết bài hai trăm chữ cho báo bí mật ở Hà Nội.

Được nhiều thư của bạn đọc gửi về hỏi ý kiến. Bước đầu đã tới những điều mà chúng tôi mong muốn. Tờ báo là bạn của người đọc. Những lá thư mộc mạc đủ mọi chuyện, cả chuyện gia đình, chuyện làng xóm, cách cư xử...

Buổi tối, chúng tôi ngủ cả trong một lán. Ở sườn núi bên kia, chiếc máy in minéc đạp chân lạch cạch, đều đều trong ánh nến nhựa trám. Sáu Hùng đứng máy thật oai. Một máy con con hai bát, chân đạp, tay lật giấy, như người đạp máy khâu. Thế nhưng với chúng tôi lúc ấy, cái máy in bé nhỏ nhất trong các loại máy in này đã là một bước tiến xa. Từ hòn đá hộp mực và con lăn của họa sĩ Trần Đình Thọ lên cái máy của công nhân Sáu Hùng nhả ra những tờ báo vuông vắn chữ nối đều đẹp tăm tắp.

Cơm chiều xong, trời cũng vừa tối. Bóng rừng sụp xuống.

Rừng Thâm Pha tối đen như ai bịt mắt. Chúng tôi xúm quanh cái đài. Đài của Nguyễn Tiêu cũng như cái máy minéc, những của cải văn minh này đã khiến cho tờ báo du kích mang vẻ khoa học. Trong khi nghe đài, Cảnh rửa bát trên suối. Cảnh vốn nghề đánh máy chữ, bây giờ chỉ việc thổi nấu rửa bát. Cái “suối mơ” chảy ngay dưới sàn nằm, suối mơ thật.

Góc sàn trong, dưới ánh nhựa trám, Nam Cao đương “làm việc tòa soạn" với chú Mộc. Mộc đọc lại bài báo anh vừa viết. Lại dịch ra tiếng Tày cho chúng tôi cùng học.

Trần Đình Thọ gầy quắt queo, ngồi trầm ngâm với cái tẩu gộc, to bằng nắm tay.

Năm người nằm trên cái sàn tre - với khẩu súng các bin. Thật sự là một tiểu đội du kích.

C.T. (lược trích)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nam-cao-lam-toa-soan/118581