Năm Dậu, gặp 'truyền nhân' võ gà

Hùng kê quyền được sáng tác ngay trên sới gà chọi, trở thành bài quyền hội tụ đầy đủ tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Lâm hướng dẫn vận động viên Nguyễn Thị Oanh Tú (26 tuổi) bài Hùng kê quyền. Từ năm 2010 đến nay, Tú nhiều lần đạt Huy chương vàng giải võ cổ truyền cấp tỉnh, toàn quốc với bài biểu diễn Hùng kê quyền.

Hùng kê quyền đang được chính các con của “huyền thoại võ thuật”, cố võ sư Ngô Bông (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) truyền giữ và phổ biến. Ít ai biết hơn 200 năm trước, Hùng kê quyền được sáng tác ngay trên sới gà chọi, trở thành bài quyền hội tụ đầy đủ tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, đòi hỏi công phu, sự khổ luyện của những người đam mê võ đạo.

Theo dấu võ gà

Là con “nhà nòi” trong gia đình truyền thống võ thuật, 5-6 tuổi cậu bé Ngô Lâm (47 tuổi, ở Nghĩa Điền, Tư Nghĩa) được bố là ông Ngô Bông truyền dạy các bài quyền theo kiểu “cha truyền con nối” và biểu diễn thành thục bài Hùng kê quyền trong các đêm võ trăng rằm tại huyện Tư Nghĩa do chính ông Bông phát động. Tuy nhiên, theo võ sư Lâm, nguồn gốc bài tinh võ này chỉ nghe qua những lời kể chắp vá của bố. Hành trình bài Hùng kê quyền đầy thăng trầm suốt hơn 200 năm được biết đến do Đông Định Vương Nguyễn Lữ - người em út trong nhóm Tây Sơn Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) - sáng tạo ra để nghĩa quân rèn tập trong giai đoạn khởi binh.

Sử sách võ nhân Bình Định còn ghi lại: Nguyễn Lữ được bậc trượng phu văn võ song toàn Trương Văn Hiến (từ xứ Nghệ An lưu lạc vào đất An Thái, nay là huyện An Nhơn, Bình Định) chân truyền các thế võ. Tương truyền rằng, trong một lần xem đấu gà chọi dịp Tết, Nguyễn Lữ thấy con gà nhỏ tưởng chừng yếu thế, thất thủ trước gà lớn cường mạnh bất ngờ triệt hạ đối phương bởi sự linh hoạt, nhu chế cương và ra những đòn quyết định. Vốn là người có dáng mảnh khảnh, hài hòa, ưa thanh tịnh, Nguyễn Lữ chiêm nghiệm và sáng tạo ra bài Hùng kê quyền. Chính các đòn võ này giúp Nguyễn Lữ đánh hạ một võ sư to lớn thách đấu trên sàn đấu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, võ sư Bùi Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Bình Định lược sử cho biết: Hùng kê quyền được phổ biến cho binh sĩ dưới chướng của Nguyễn Lữ. Sau đó, theo thời gian và sự suy vi của triều đại Tây Sơn, bài quyền được lưu truyền một cách bí mật và hạn chế trong một số dòng tộc. Được biết, dượng của võ sư Ngô Bông là võ sư Mười Diệp được võ sư Lý Trường Xuân - một người lính tin cẩn dưới trướng Nguyễn Lữ truyền lại toàn bộ những chiêu thức tuyệt kỹ của Hùng kê quyền và truyền lại cho những người trong gia đình, trong đó có ông Lê Thùy, Lê Chót (cậu ruột của võ sư Bông).

Những biến cố cuộc đời đưa võ sư Ngô Bông đến với Hùng kê quyền như định mệnh. Năm 1926 (theo xác nhận của võ sư Lâm, có chỗ ghi năm 1925 - PV), khi mới ba tháng tuổi, bố của võ sư Bông bị giặc Pháp bắt giam, đầy ra đảo. Mẹ ông Bông nghe tin đã bỏ con lại để đi tìm chồng rồi bặt vô âm tín, đến giờ chưa tìm thấy tung tích, mồ mả. Lâm cảnh mồ côi, tuổi thơ cậu bé Bông sống nương nhờ bên nhà ngoại (cùng ở Nghĩa Điền, Tư Nghĩa), sau đó ngược xuôi Trung - Nam mưu sinh, học võ. Những lần về quê, ông Bông được hai cậu ruột là Lê Thùy, Lê Chót trực tiếp truyền lại bài tinh võ chọi gà này. Theo võ sư Ngô Lâm, những năm khoảng 1960, khi về hẳn ở quê, võ sư Ngô Bông cũng thọ giáo thêm nhiều danh võ sư khác như: Bảo Truy Phong, Lâm Hổ… để trau dồi thêm trình độ võ thuật của mình. Nhưng bài Hùng kê quyền được ông tâm huyết nhất.

Võ sư Bùi Trung Hiếu cho hay: Cùng thời ông Bông, bài Hùng kê quyền cũng được nhiều võ sư Bình Định và Quảng Ngãi lưu truyền, như võ sư Sáu Nghê, võ sư Hồ Sắt (quê ở Phù Mỹ), võ sư Hồ Nguyệt (quê ở Tây Sơn), Hòa thượng Thích Đại Long (quê ở Tuy Phước)… Do tuổi cao, chiến tranh nhiều người ra đi, duy chỉ có võ sư Ngô Bông còn lại.

Bài Hùng kê quyền từng được võ sư Bông biểu diễn tại Liên hoan Võ cổ truyền Quảng Ngãi nhưng phải đến năm 1993, tại Đại hội liên hoan Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hùng kê quyền mới tỏa sáng sau khoảng 200 năm định danh và được vinh danh ở võ thuật cổ truyền trong nước và thế giới. Năm đó, trực tiếp biểu diễn Hùng kê quyền, võ sư Ngô Bông gây được tiếng vang lớn. Bài tinh võ chọi gà này ngay lập tức được chọn là một trong 10 bài thi đấu chính thức của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Võ sư Ngô Bông trở thành truyền nhân chính thức của Hùng kê quyền, có trách nhiệm truyền dạy, hướng dẫn cho bài quyền phổ biến. Hơn chục năm sau, Hùng kê quyền được “huyền thoại võ thuật” Ngô Bông mang ra thế giới ở Hàn Quốc (năm 2004), và được nước này mời truyền thụ bài quyền cho các võ sinh ở đây…

Đạo võ

Võ sư Ngô Lâm - truyền nhân Hùng kê quyền sau huyền thoại võ thuật Ngô Bông biểu diễn đòn thế của tinh võ gà chọi.

Cả thảy 8 người con đều được võ sư Ngô Bông truyền thụ võ thuật. Nhưng sau khi ông mất (năm 2011), hiện chỉ ba người con nối nghiệp võ. Trong đó, võ sư Ngô Lâm và em gái là võ sư Ngô Thùy Dung hiện đang là huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao Quảng Ngãi. Riêng em trai - võ sư Ngô Sỹ mở võ đường tại quê nhà. Cả ba được xem như những truyền nhân Hùng kê quyền dưới huyền thoại Ngô Bông.

“Ba thường căn dặn chúng tôi học võ để lấy cái đạo. Bài Hùng kê quyền hội tụ đầy đủ tinh hoa của võ thuật, cốt cách của người luyện võ. Bởi, đòn đánh của bài Hùng kê quyền chuẩn xác, biến ảo. Đồng thời, dạy đức tính cương - nhu hài hòa, sự kiên trì, quyết tâm, vươn lên trong mọi thử thách, biết người biết ta”, võ sư Lâm nói.

Để đạt được những thái cực này, người học phải khổ luyện, tĩnh tâm. Võ sư Lâm bảo: Khó nhất với Hùng kê quyền chính là luyện cho được công phu “nhất dương chỉ”, tam công, nhãn pháp… Bản thân cố võ sư Ngô Bông là tấm gương về sự nhiệt huyết, khổ luyện trong võ thuật, đức tính hiền lành, chất phác. Gia đình võ sư Lâm vốn quen với cảnh võ sư Ngô Bông khi còn sống ngày nào cũng dậy thật sớm, nhìn mặt trời mọc để luyện nhãn pháp; Lấy cát để khổ luyện ấn công, các thế trung bình tấn, đinh tấn. Học trò của ông có hàng trăm người, nhưng võ sư Ngô Bông ngày đó chỉ nhận võ sinh có trí đức, tư cách đúng mực...

Đưa Hùng kê quyền vào trường học

Theo võ sư Bùi Trung Hiếu, tháng 10/2016, UBND Bình Định phê duyệt đề án sưu tầm, phát huy võ cổ truyền Bình Định. Trong đó, Hùng kê quyền từ lâu được xác định như bài võ đặc trưng của Bình Định, nguồn gốc nhà Tây Sơn được các đơn vị chức năng sưu tầm, lưu giữ. Năm 2016, tỉnh này lần đầu tiên triển khai đưa Hùng kê quyền vào trường học, tập huấn cho gần 1.000 giáo viên thể dục các trường trên địa bàn để phổ biến và dạy cho các em học sinh.

Xuân Huy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nam-dau-gap-truyen-nhan-vo-ga-d185752.html