Nam Điền sau 2 năm chuyển đổi đất lúa sang cây màu, đạt 315 triệu đồng/ha/năm

Ở ĐBSH, đặt vấn đề chuyển đổi đất lúa ở những nơi 'bờ xôi ruộng mật' có lẽ là chuyện chưa cần phải bàn tới. Bởi thực tế có những nơi, ruộng đất dù muốn cũng khó có thể trồng lúa được nữa. Những vùng nhiễm mặn ven biển tỉnh Nam Định là một ví dụ. Thống kê của UBND xã Nam Điền năm 2016 ước tính, chỉ sau 2 năm chuyển đổi đất lúa sang cây màu, chưa kể giá trị thủy sản, riêng cây màu đã...

Trồng lúa, 60 kg/sào

Nam Điền là xã ven biển cực nam của tỉnh Nam Định, nằm ngay cửa con sông Đáy. Xã này mới thành lập từ năm 1977, cùng với giai đoạn quai đê lấn biển của Nông trường Rạng Đông lừng lẫy một thời.

Những thửa ruộng cuối cùng ở xã Nam Điền

Ở cái thời năng suất lúa bình quân của ĐBSH đã lên tới 50 - 60 tạ/ha, thì báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới nhất của Nam Điền năm 2016 cho thấy: Vụ mùa 2016, năng suất lúa bình quân của xã chỉ có 16,7 tạ/ha, tương đương 60 kg/sào! Là xã thuần nông, trồng lúa như thế nên chẳng nói đâu xa, cách đây 5 - 7 năm về trước thôi, Nam Điền vẫn là xã nghèo có tiếng của huyện Nghĩa Hưng.

Một cán bộ HTX Nam Điền nhớ lại: Năm năng suất lúa của xã cao nhất là vụ ĐX 2007 - 2008 với bình quân gần 2 tạ/sào. Còn lại, thường thì năm khá chỉ 1,2 - 1,5 tạ/sào, thậm chí 50 - 60 kg/sào, có năm mất trắng. Nguyên nhân khiến năng suất lúa của xã luôn thấp như thế là bởi nạn xâm nhập mặn càng ngày càng khốc liệt.

Vụ mùa còn đỡ, chứ vụ ĐX hàng năm, do mặn vào sâu trong nội địa nên toàn bộ hơn 300ha lúa của Nam Điền không thể lấy nước trực tiếp từ sông Đáy, mà phải chịu cảnh “ăn vét” nguồn nước thừa khi các xã nội đồng đã gieo cấy xong xuôi. Có năm, mặn vào sâu theo sông Đáy tới 8 - 10km, ngay các xã nằm sâu trong nội đồng độ mặn cũng lên tới 3 - 4%o. Những năm như thế, lúa ở Nam Điền thường phải cấy đi cấy lại 2 - 3 lần do chết mặn, năng suất chỉ 50 - 60 kg/sào là may.

Nam Điền bây giờ đã lột xác hoàn toàn với những ngôi nhà cao tầng san sát. Vóc dáng của một đô thị ven biển đã hình thành với hoạt động nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thủy hải sản, vật tư ngành thủy sản tất bật. Sự thay đổi thần tốc bộ mặt đời sống của Nam Điền chỉ đến cách đây 3 - 4 năm, cụ thể từ 2014, tỉnh Nam Định cho phép xã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, kết hợp với mô hình VAC.

Bộ mặt đời sống ở Nam Điền “lột xác” từng ngày

Ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Điền không khỏi phấn khởi, cho biết: Nếu như năm 2013 (khi chưa chuyển đổi đất lúa), thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ có 25 triệu đồng/người/năm thì chỉ sau 2 năm, tới năm 2016, con số này đã nâng lên gần 34 triệu đồng/người/năm. Đầu năm 2017, Nam Điền đã chính thức đạt tiêu chí là xã NTM của huyện Nghĩa Hưng.

Trồng gì cũng hơn... trồng lúa!

Thực ra, chuyển đổi đất lúa sang thủy sản ở Nam Điền đã manh nha từ nhiều năm trước trên các diện tích lúa bị nhiễm mặn nặng. Tuy nhiên chỉ trong vài năm sau khi được tỉnh cho phép chuyển đổi, đến vụ mùa 2016, xã chỉ còn vỏn vẹn hơn 30ha lúa, và tới vụ ĐX 2017 này thì không hộ nào còn trồng lúa nữa, 100% diện tích đất lúa (khoảng 300ha) đã được chuyển sang mô hình VAC (kết hợp đào ao nuôi thủy sản nước lợ và trồng cây trồng cạn).

Về Nam Điền những ngày đầu xuân Đinh Dậu, không khí hừng hực đang chuyển mình trên cánh đồng phèn mặn trước đây. Những thửa ruộng cuối cùng ở cánh đồng Nam Điền máy xúc, ủi tấp nập đào ao, lên vườn. Từ những cánh đồng nhiễm mặn úng trũng cho không ai nhận, chỉ sau 2 năm, Nam Điền hiện đã xanh mướt cây rau, màu các loại, giá đất nông nghiệp chuyển nhượng đã lên tới hàng trăm triệu đồng/sào.

Ngoài các đối tượng thủy sản nước lợ chính như tôm thẻ chân trắng, cá bớp, cua, cá vược…, Nam Điền đã hình thành được vùng chuyên canh rau màu các loại, nhất là cà chua trên diện tích hàng trăm hecta. Nhờ chân đất đã được nâng cao, một số Cty SX dược phẩm đã bắt đầu về đây ký hợp đồng với người dân trồng cây đinh lăng với diện tích trên 10ha…

Chỉ sau 2 năm chuyển đổi đất lúa, Nam Điền đã trở thành vùng SX thủy sản và cây màu hàng hóa có giá trị

Anh Hoàng Văn Phong (xóm 3, xã Nam Điền), một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi đất lúa trong xã với diện tích 1,7 mẫu cho biết: Theo quy định, các hộ được phép đào ao nuôi thủy sản chiếm 50% tổng diện tích, đất đào ao đổ lên 50% diện tích còn lại. Điều này giúp người dân hình thành được các mô hình VAC có chân đất cao ráo, rất thuận tiện để trồng màu. Chỉ sau 2 năm chuyển đổi, kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng và cá nước lợ các loại, hiện mỗi năm trừ chi phí anh Phong thu về không dưới 100 triệu đồng lợi nhuận.

Nhớ lại thời còn trồng lúa, anh Phong bảo: Chưa tính tới diện tích nuôi thủy sản ở phần ao, chỉ cần 50% ruộng chuyển sang trồng màu, trồng gì cũng được, cũng hơn trồng lúa.

“Cứ vượt đất ruộng lên, không trồng màu thì chỉ cần trồng đinh lăng thôi cũng được. Mỗi sào đinh lăng, các Cty dược đang về đặt hàng, họ thu mua cả thân cả gốc giá đổ đều 30 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi sào đinh lăng trồng sau 3 năm có thể cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng, chia ra mỗi năm vứt đâu cũng hơn 20 triệu đồng/sào, gấp vài chục lần trồng lúa”, anh Phong nhẩm tính.

Thống kê của UBND xã Nam Điền năm 2016 ước tính, chỉ sau 2 năm chuyển đổi đất lúa sang cây màu, chưa kể giá trị thủy sản, riêng cây màu đã cho giá trị toàn xã xấp xỉ 50 tỉ đồng/năm, tương đương 315 triệu đồng/ha/năm.

“Trồng cà chua thôi, năng suất chỉ cần 1,5 tấn/sào/vụ, giá bèo nhất chỉ cần 5 - 6 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng có lãi 6 - 7 triệu/sào/vụ, mỗi năm 2 vụ cũng đút túi 10 - 15 triệu đồng/sào. Chừng đó so với trồng lúa chỉ 70 - 80 kg/sào trước đây thử hỏi gấp bao nhiêu lần”, ông Hoàng Văn Tuệ, một hộ dân trong vùng chuyển đổi so sánh.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nam-dien-sau-2-nam-chuyen-doi-dat-lua-sang-cay-mau-dat-315-trieu-dong-ha-nam-post189017.html