Năm 'hạn' của BIDV

Hàng loạt biến cố đã xảy ra với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) kể từ đầu năm 2016 đến nay.

Thành lập cuối tháng 4/2016 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trở thành một trong những ngân hàng đứng đầu của nước ta. Xét từ quy mô vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản hay quy mô hoạt động, BIDV đều lọt vào Top 3 những ngân hàng TMCP lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, trong khi cổ phiếu của những ngân hàng cũng quy mô như Vietcombank ( VCB ) hay VietinBank ( CTG ) ghi nhận mức tăng đáng kể hay chí ít cũng duy trì được mức giá tại thời điểm đầu năm thì cổ phiếu của BIDV sụt từ ngưỡng 2x xuống giao dịch trong khoảng từ 16,000 – 18,000 đồng/cp.

Biến động nhân sự cấp cao từ MHB

Sự kiện đáng nói đến đầu tiên trong chuỗi những “vận đen” của BIDV từ đầu năm 2016 đến nay có lẽ phải kể đến vấn đề nhân sự.

Đầu năm 2015, những thông tin về thương vụ sáp nhập giữa BIDV và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) được hé lộ. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 được tổ chức giữa tháng 4/2015, mặc dù BIDV không công bố tài liệu liên quan đến việc sáp nhập, nhưng Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà đã tiết lộ những thông tin đầu tiên về thời gian và tỷ lệ sáp nhập dự kiến giữa 2 ngân hàng. Cùng với đó là sự dịch chuyển của những nhân vật chủ chốt trong HĐQT MHB tham gia vào HĐQT BIDV.

Theo đó, 4 thành viên bao gồm Chủ tịch HĐQT MHB – ông Huỳnh Nam Dũng, TGĐ MHB – ông Nguyễn Phước Hòa cùng 2 thành viên HĐQT MHB là ông Nguyễn Văn Lộc và ông Đặng Văn Sinh đã được bầu vào HĐQT BIDV.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm, đến đầu năm 2016 những thông tin về việc điều tra sai phạm tại MHB và CTCK MHB ( MHBS ) trước khi sáp nhập với BIDV xuất hiện. Đến cuối tháng 1/2016, hai thành viên chủ chốt của MHB đang ngồi trong HĐQT BIDV bất ngờ bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra (ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa). Đến đầu tháng 2/2016, hàng loạt nhân sự khác từ MHB và MHBS đã bị tạm giam để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Cũng cần nói thêm là việc sáp nhập từ MHB vào BIDV cũng khiến ngân hàng này phải chịu khoản lỗ lũy kế hơn 550 tỷ đồng.

Trước thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, 2 thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Kim Thanh (Viện trưởng Viện chiến lược NHNN – thành viên được bầu bổ sung vào HĐQT BIDV tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015) và ông Lê Đào Nguyên đã có đơn xin từ nhiệm. Như vậy, nếu tính cả 2 nhân sự HĐQT MHB đang bị tạm giam để điều tra, HĐQT BIDV sau chưa tới 1 năm đã giảm 4 thành viên. Sau khi bà Thanh từ nhiệm, ông Đặng Xuân Sinh (thành viên HĐQT MHB được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015) đã trở thành người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV.

“Tai tiếng” từ những khoản vay: Đầu năm là HAG - HNG , giữa năm là KSS

Sau vấn đề nhân sự, kế đến là những lùm xùm liên quan đến những khoản tín dụng mà BIDV là chủ nợ lớn nhất tại các doanh nghiệp này.

Đầu năm 2016, những thông tin về việc NHNN đã tiến hành rà soát nhằm tái cơ cấu các khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HOSE:HAG), Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (HOSE:HNG) và các công ty con của Tập đoàn này bắt đầu lan rộng trên thị trường, khiến tâm lý tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của tập đoàn này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đặc biệt chú ý là danh sách các chủ nợ nào đang được nhắc tới, và cái tên BIDV lại một lần nữa được nêu ra.

Lý do là bởi Ngân hàng này hiện đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL và các công ty con với dư nợ lên tới 10,600 tỷ đồng. Chưa kể tới Ngân hàng Lào Việt, một liên doanh của BIDV tại Lào cũng đang có dư nợ cho vay với HAGL lên tới 2,250 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Chủ tịch Trần Bắc Hà đã có những chia sẻ về thông tin của khoản nợ, đồng thời cho biết về việc các chủ nợ của HAGL đang tiến hành họp để đưa ra giải pháp “giải cứu” doanh nghiệp này. Vấn đề này sau đó cũng đã được NHNN nhất trí thông qua để trình Chính phủ với những đề xuất về việc giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi một số khoản nợ. Ngay trong BCTC hợp nhất kiểm toán của HNG – Công ty con của HAGL – cũng thể hiện rằng đơn vị này đang xin cơ cấu/hoán đổi các khoản nợ để tăng thời gian trả nợ lên tối thiểu 3-15 năm, giãn thời gian trả lãi thêm 3 năm, giảm lãi suất… Câu chuyện này tuy giúp nhà đầu tư an tâm hơn về nhóm doanh nghiệp HAGL nhưng lại đổ dồn lo ngại về các chủ nợ, việc nó sẽ khiến khoản mục lãi dự thu của các ngân hàng, mà trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất, sẽ phình to đáng kể, chưa nói tới khoản nợ chục nghìn tỷ sẽ phải nằm im trong một thời gian khá dài.

Kết quả kinh doanh quý 1/2016 của BIDV cũng không thực sự là một gam màu sáng. Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần từ HĐKD trước trích lập tăng 25% nhưng khoản chi phí dự phòng lên tới gần 2,000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ khiến lãi ròng giảm 11% xuống 1,659 tỷ, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 tăng từ 1.68% lên 1.8%.

Kết quả này có lẽ không chỉ xuất hiện trong quý 1/2016!

Khi câu chuyện của HAG-HNG lắng xuống, thì khoản nợ cả nghìn tỷ đồng tại Tổng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (HOSE:KSS), doanh nghiệp mới đây đã bị Sở GDCK Tp.HCM (HOSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc do kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến về BCTC, sẽ lại khiến ngân hàng này phải đau đầu. BIDV là chủ nợ lớn nhất của KSS với dư nợ cho vay ngắn hạn gần 948 tỷ và cho vay dài hạn gần 39 tỷ đồng có tài sản đảm bảo.

Theo BCTC kiểm toán năm 2015 của KSS, kiểm toán viên cho biết không thể xác nhận được tính đúng đắn của các khoản công nợ phải thu phát sinh trước thời điểm 01/01/2015 và khoản chênh lệch hàng tồn kho gần 180 tỷ đồng. Tính ra, trong tổng số gần 1,523 tỷ đồng tài sản ngắn hạn của KSS thì có tới gần 1,064 tỷ đồng (bao gồm 883.8 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn trước 1/1/2015 và 180 tỷ chênh lệch hàng tồn kho) không thể xác định được tính xác thực, chiếm 70% tổng tài sản ngắn hạn. Trong khi KSS đang có khoản nợ ngắn hạn tới 948 tỷ đồng của BIDV, chưa cần tính tới giá trị xác thực của các tài sản còn lại và nghĩa vụ tài chính phát sinh trong kỳ thì toàn bộ tài sản ngắn hạn còn lại của KSS cũng không đủ để bù đắp cho khoản nợ này.

Chưa rõ liệu BIDV sẽ làm cách nào để thu lại được khoản vay cả nghìn tỷ tại KSS, nhưng với thực trạng tại một doanh nghiệp không minh bạch dẫn tới hủy niêm yết, cái giá phải chịu có lẽ sẽ không hề rẻ.

Cho tới câu chuyện chính sách…

Hàng loạt vấn đề đã nêu ra nhưng câu chuyện tại BIDV vẫn chưa dừng ở đó.

Nếu như những vấn đề nêu ra ở trên nằm trong nội tại của ngân hàng thì vấn đề chính sách, tác động bên ngoài tới BIDV cũng đã có những chuyển biến không mấy tích cực.

Bắt đầu từ câu chuyện muôn thửa của ngân hàng, tăng vốn và cổ tức. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, một làn sóng phản đối từ các cổ đông đã xuất hiện khi BIDV công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2015. Theo đó, thay vì mức cổ tức 9% như kế hoạch đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, BIDV chỉ đưa ra mức cổ tức 8.5% nhưng là chi trả bằng cổ phiếu, dẫn tới sự bức xúc và hàng loạt câu hỏi từ phía các cổ đông. Theo đại diện BIDV, việc trả cổ tức của Ngân hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt sau khi sáp nhập MHB, số lượng cổ phần của BIDV tăng lên, do đó, việc giữ cổ tức như kế hoạch ban đầu là rất khó. Bên cạnh đó, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng là điều cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm tới chỉ khoảng 18%.

Nếu không kể việc phát hành sáp nhập với ngân hàng khác, BIDV cũng là ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn mạnh nhất năm 2016 trong số các ngân hàng niêm yết với gần 9,500 tỷ đồng. Cũng do bài toán ngân sách, BIDV đã “tính trước” việc NHNN sẽ không bỏ thêm 2,700 tỷ đồng trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu, đại diện BIDV cho biết sẽ đề nghị cổ đông Nhà nước dùng toàn bộ phần chênh lệch từ thoái vốn VID Public Bank để tham gia vào đợt phát hành tăng vốn.

Tuy nhiên, mặc dù Đại hội đã thông qua phương án này, thì đến cuối tháng 5/2016, lãnh đạo Bộ Tài Chính đã có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng "chỉ đạo" người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. Đến nay, câu chuyện giữa việc đảm bảo thu ngân sách và chiến lược hoạt động của ngân hàng vẫn chưa có hồi kết.

Việc đề xuất tăng vốn của BIDV cũng không hẳn không có cơ sở, hàng loạt chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đã bắt đầu chạm ngưỡng “nguy hiểm”, dư địa tăng trưởng vốn cấp 2 không còn. Theo chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, hệ số an toàn vốn của BIDV đối với riêng Ngân hàng là 9.01% và hợp nhất là 9.81%, mặc dù vẫn đảm bảo trên 9% theo quy định nhưng đã sát ngưỡng quy định. Tỷ lệ cho vay trung/dài hạn bằng vốn ngắn hạn của ngân hàng là 37.1%, trong khi vốn cấp 1 của BIDV đã đạt hơn 34,000 tỷ đồng, dư địa vốn cấp 2 của Ngân hàng đã gần như đã sử dụng hết. Nâng cao khả năng hoạt động hay “gỡ khó” cho ngân sách, bài toán mà BIDV phải giải sẽ không hề đơn giản.

Chưa hết, một nội dung đáng chú ý trong quyết định mới đây của NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến viều chuyển việc thanh toán giao dịch chứng khoán.

Theo đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chuyển chức năng thanh toán trái phiếu Chính phủ, tiến tới chuyển toàn bộ việc thanh toán các giao dịch chứng khoán từ ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Mà trong nhiều năm qua, BIDV đã được chỉ định là ngân hàng thanh toán giao dịch chứng khoán duy nhất. Như vậy, dự kiến quy mô thanh toán cho giao dịch hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển khỏi BIDV.

Rõ ràng đã có rất nhiều biến cố từ những vấn đề nội tại của Ngân hàng, cho tới những chính sách bên ngoài đã tác động đến BIDV kể từ đầu năm 2016 đến nay, phần nào lý giải cho nguyên nhân cổ phiếu BIDV không chạy cho dù nhóm tài chính – ngân hàng có “sóng”. Liệu BIDV sẽ làm gì để giải bài toàn khó và giữ vị thế của một trong những ngân hàng hàng đầu?

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nam-han-cua-bidv-2016072510457511p4c147.news