Nam thanh niên đột quỵ khi đang chơi cầu lông

Trong lúc đang chơi cầu lông cùng bạn, nam thanh niên 32 tuổi đột ngột liệt nửa người trái, rối loạn ngôn ngữ. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ

Nam thanh niên 32 tuổi (ở Hà Nội) được bạn đưa đến Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng liệt nửa người trái và rối loạn ngôn ngữ.

Người bạn cho biết khi đang chơi cầu lông cùng nhau bất ngờ anh này xuất hiện tình trạng nói trên và được đưa đến bệnh viện ngay.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đỗ Hằng

Cấp cứu 6 ca đột quỵ trẻ tuổi trong đêm

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, đến bệnh viện trong "giờ vàng", tức là sau 1 giờ khi có triệu chứng, nam thanh niên được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa phải.

Bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối và thực hiện can thiệp tái thông mạch máu. Sau 30 phút can thiệp, động mạch não giữa phải được tái thông hoàn toàn.

"Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, nam bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn. Đến thời điểm này, bệnh nhân có thể nói chuyện và đi lại bình thường, có thể quay trở lại với sân tập với các bạn của mình"- PGS Tôn nói.

Nam bệnh nhân 32 tuổi nói trên là 1 trong số 6 ca bệnh đều là người trẻ (dưới 42 tuổi) bị đột quỵ được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong cùng 1 đêm.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 32 tuổi được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh giờ thứ nhất.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ có biến chứng phức tạp

Ngoài ra, một bệnh khác là nam bệnh nhân 36 tuổi (quê ở Bắc Ninh, làm việc tại Phú Quốc) được chuyển đến trong tình trạng liệt nửa người, nói khó. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong.

"Đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, thường xuất hiện ở người từ 30-50 tuổi. Dù đã được can thiệp nhưng bệnh nhân tiến triển chậm"- PGS Tôn đánh giá.

Tầm soát đột quỵ

Cũng theo PGS Tôn, đáng tiếc nhất là trường hợp nữ bệnh nhân 40 tuổi, chuyển từ tuyến dưới. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc.

Trong ca làm việc ban đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu và hôn mê. Khi đưa vào bệnh viện tuyến dưới, huyết áp của bệnh nhân lên tới 240/200 mmHg. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Nữ bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu não, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong.

Để phòng chống đột quỵ ở người trẻ tuổi, PGS Tôn khuyến cáo người trẻ cần thường xuyên vận động, tập thể dục, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh.

Tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ như: Tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp...

Khi có các biểu hiện đột quỵ như chân tay yếu, nói khó, nói ngọng, đau đầu, chóng mặt... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị trong "giờ vàng".

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nam-thanh-nien-dot-quy-khi-dang-choi-cau-long-196240329120016721.htm