Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả lũ chồng lũ

Mưa lũ tại các tỉnh miền trung đã cơ bản chấm dứt nhưng những thiệt hại nặng nề vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống hằng ngày. Chính quyền và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống, chuẩn bị sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2016-2017.

Chín ngày, ba đợt lũ

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chín ngày qua xuất hiện liên tiếp ba đợt lũ làm nhiều địa bàn bị chia cắt, cô lập. Nặng nhất là vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành với hàng nghìn nhà dân bị ngập, có nơi ngập gần 2 m làm nhiều ngôi nhà sập đổ. Chính quyền địa phương phải di dời 1.500 hộ dân với 4.700 khẩu.

Theo thống kê, mưa lũ liên tiếp đã làm chết 10 người và bốn người mất tích; hơn 70 ha lúa, khoảng 3.500 ha hoa màu và hơn 620 ha cây trồng hằng năm hư hỏng, gần 140 ha đất canh tác bị sa bồi, thủy phá. Mưa lũ cũng làm nhiều đập thủy lợi, kênh nội đồng và hệ thống đê, kè, bờ sông, suối bị sạt lở, hư hỏng; quốc lộ 24, 24C và nhiều tuyến đường liên tỉnh, xã bị sạt lở hàng chục điểm, cầu, cống hư hỏng nặng, nhiều cầu tạm bị cuốn trôi...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho biết: Nhiều địa bàn khi nước vừa rút thì tiếp tục hứng chịu trận lũ mới cho nên cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhất là thiếu lương thực và nước uống. Mấy ngày qua, các địa phương đã tổ chức cứu trợ khẩn cấp mì tôm, nước uống cho người dân. “Sở NN và PTNT đề nghị ngành y tế cấp thuốc cho dân xử lý giếng nước bị ngập để có nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường” - ông Dương Văn Tô nói.

Hiện Quảng Ngãi vẫn còn mưa, nước sông Trà Khúc, sông Vệ và Trà Bồng còn ở mức cao gây lũ chồng lũ. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo các cấp, ngành chủ động hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời tạm ứng ngân sách dự phòng cho các địa phương mua lương thực, mì tôm, nước uống cung cấp cho người dân trong những ngày sống chung với lũ...

Tại tỉnh Bình Định, từ ngày 29-11 đến 8-12 cũng xảy ra nhiều đợt mưa lũ lớn trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đến nay, đã có 16 người chết, 225 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, 120 nhà bị tốc mái và 23.650 lượt nhà ngập nước; hơn 38 km đường giao thông hư hỏng, 30 cống và 11 cầu sập hoàn toàn gây ách tắc giao thông cục bộ; 46 km đê điều, kè bị sạt lở nặng, uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân; 57 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 2.253 ha lúa vụ mùa trong giai đoạn chín và 12.050 ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị ngập, hư hỏng phải gieo sạ lại..., ước tổng thiệt hại 795 tỷ đồng.

Tại Phú Yên, mưa lũ đầu tháng 11 đã làm bảy người chết, 9.579 nhà dân ngập nước, 10 nhà sập hoàn toàn; hàng nghìn héc-ta lúa mùa, mía, sắn bị ngập, hư hỏng nặng; năm tàu thuyền chìm; hơn 2.000 lồng nuôi tôm hùm bị chết do sốc nước lũ, 628 ha diện tích hồ tôm, ốc bị ngập, sạt lở, 300 tấn muối cuốn trôi; hơn 3.600 m kênh mương, kè bị sạt lở, bồi lấp; giao thông hư hỏng nặng..., tổng thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Đợt mưa lũ vừa qua, kè Xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa xuất hiện nhiều đợt sóng lớn kết hợp triều cường gây xâm thực sâu; sạt lở nghiêm trọng khu sửa chữa tàu thuyền thuộc Cảng cá Đông Tác; sạt lở khoảng 100 m dọc từ kè xóm Lăng đến Trạm kiểm soát Biên phòng và mố phía bắc cầu Đà Nông.

Nghiêm trọng nhất là quốc lộ 1 đoạn qua dốc Vườn Xoài, xã An Dân, huyện Tuy An và khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu bị sạt lở mái ta-luy âm nền đường, sụt lún đất và xuất hiện bốn vết nứt trên mặt đường làm một số nhà dân bị sạt lở móng, nứt tường, đổ ngã. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị khẩn cấp chống sụt trượt, ổn định nền mặt đường hư hỏng do mưa, lũ xói ngầm.

Tập trung khắc phục hậu quả

Bên cạnh ứng phó đợt áp thấp mới ở khu vực giữa và nam Biển Đông, các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân và chuẩn bị sản xuất cây trồng vụ đông xuân vào trung tuần tháng 12 này. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, tổ chức tìm kiếm các ngư dân mất tích; động viên, chia sẻ, giúp đỡ các gia đình khó khăn, bị thiệt hại và gia đình có người chết, mất tích; tiếp tục hỗ trợ, cứu trợ cho người dân, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... không để hộ dân nào bị đói, khát hoặc mắc bệnh mà chính quyền không biết.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN và PTNT có kế hoạch hỗ trợ giống, thuốc trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp các địa phương rà soát thiệt hại hồ đập, đê điều, kênh mương... để sớm khắc phục. Bộ Y tế hỗ trợ địa phương thông qua việc cấp thuốc, tẩy trùng, tẩy độc sau lũ; bảo đảm nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân. Bộ Giao thông vận tải xem xét toàn diện về hệ thống hạ tầng giao thông để có kế hoạch hỗ trợ, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt và báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền; các bộ: Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương sớm khắc phục hậu quả; ghi nhận, xem xét hỗ trợ kinh phí và giải quyết kiến nghị của các tỉnh.

Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 7 tỷ đồng mua 270 tấn lúa giống, hoa màu hỗ trợ người dân vùng ngập tổ chức gieo sạ ngay khi nước rút để kịp lịch thời vụ sản xuất cây trồng vụ đông xuân; hỗ trợ 300 tấn gạo cứu trợ và thuốc men, dung dịch khử trùng tiêu độc khắc phục hậu quả môi trường sau lũ. Tỉnh Bình Định đề xuất hỗ trợ 300 tỷ đồng. Tỉnh Phú Yên kiến nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói cho 33.600 nhân khẩu, 1.000 kg Cloramine B, 30.000 viên Aquatabs, 500 lít Pemrethrin... Để phục vụ gieo sạ lúa đông xuân năm 2016 - 2017 dự kiến đồng loạt vào ngày 20-12 tới, tỉnh Phú Yên cần sửa chữa những hạng mục thiết yếu của các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Hiện Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam mới sửa chữa hoàn thành giai đoạn 1 thông nước các kênh chính với số tiền đầu tư 800 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương cấp bù thủy lợi phí, tưới cho 17.800 ha lúa, chiếm hơn 67% diện tích lúa đông xuân của tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31516602-nam-trung-bo-khac-phuc-hau-qua-lu-chong-lu.html