Nan giải bài toán phát triển nhân lực cơ điện tử

(VEN) - Là sự kết hợp của ngành cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin, cơ điện tử được đánh giá là một trong những ngành khoa học công nghệ quan trọng mở cánh cửa của quá trình công nghiệp hóa nói chung và ngành cơ khí nói riêng. Mặc dù đã được đưa vào chiến lược phát triển nhưng việc xây dựng một đội ngũ nhân lực cho ngành này vẫn là một vấn đề nan giải.

Xu thế chung Theo xu thế chung, hiện nay, nhu cầu của thế giới đang hướng đến những sản phẩm thông minh, tinh vi hơn, giá thành hợp lý hơn, do vậy rất cần đến những sản phẩm mới kết hợp được sự ưu việt của nhiều lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành cơ điện tử. Các sản phẩm cơ điện tử được hình thành từ các ý tưởng thông minh hóa, bổ sung các chức năng mới cho các sản phẩm hiện hành. Bên cạnh đó, cơ điện tử cũng giúp tạo ra các sản phẩm mới bằng sự tích hợp liên kết nhiều công nghệ cao trong sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm ngành cơ điện tử đã và đang xâm nhập sâu vào đời sống như máy bán hàng tự động, cửa đóng mở tự động, robot… Từ những năm 2003, Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam đến năm 2010", trong đó nhấn mạnh cơ điện tử là một trong những công nghệ tích cực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo GS. TSKH Nguyễn Thiện Phúc – Chủ tịch Hội Cơ học máy Việt Nam: "Ngành cơ điện tử hiện được đánh giá là một vũ khí chiến lược trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường quốc tế. Đặc biệt, ngành cơ điện tử là cơ hội vàng cho các nước đang phát triển như Việt Nam". Theo dự đoán, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải cần khoảng 200 kỹ sư, 1.200 kỹ thuật viên cho ngành công nghệ cơ điện tử. Trên thế giới, nhiều nước đã chọn cơ điện tử làm hướng phát triển mũi nhọn. Khập khiễng nguồn cung Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Phúc: “Hiện nay, ở Việt Nam, cơ điện tử vẫn chưa có được một chiến lược phát triển đúng đắn”. Cơ điện tử là một lĩnh vực được hình thành từ sự cộng năng của nhiều ngành khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện, thông minh hóa, tạo nên linh hồn và cảm xúc cho các sản phẩm và công cụ phục vụ đời sống của con người. Từ chỗ chưa nhận thức đúng đắn bản chất của cơ điện tử cho nên chương trình đào tạo nhân lực cho ngành cơ điện tử vẫn chưa rõ ràng. Hiện nay, ở nước ta, việc đào tạo cơ điện tử mới chỉ có ở một số rất ít trường. Điều này dẫn đến việc nước ta chưa có lớp kỹ sư cơ điện tử thực sự có năng lực. Và kết quả tất yếu là đối với các sản phẩm cơ điện tử thông minh, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào quá trình lắp ráp, gia công sản phẩm chứ chưa có những sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Với xu thế phát triển tất yếu của ngành cơ điện tử trên thế giới, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, không nắm bắt thời cơ và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ để có thể sáng tạo ra các sản phẩm cơ điện tử thì nước ta sẽ chỉ là thị trường tiêu thụ các sản phẩm của nước ngoài. Đi tìm giải pháp Theo GS. Phúc: "Để phát triển ngành cơ điện tử, trong thời gian này, chúng ta cần gấp rút thành lập những nhóm chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về cơ điện tử để trả lời câu hỏi những ngành nào thuộc lĩnh vực cơ điện tử sẽ được đào tạo ở Việt Nam? Hiện nay, các trường đại học mới chỉ dừng lại ở việc giảng dạy vài môn về cơ điện tử thì chưa thể tạo nên bước phát triển cho cơ điện tử Việt Nam". Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực ngành cơ điện tử cần phải được xem là ưu tiên số một. Đào tạo phải đi đôi với việc cung cấp những kiến thức đa ngành và khả năng tư duy liên ngành cho học viên. Đồng thời, chúng ta cần xây dựng các trung tâm cập nhật những kiến thức về cơ điện tử. Cùng lúc phải song hành hai công việc đào tạo các kỹ sư có chuyên môn sâu về cơ điện tử và cán bộ kỹ thuật trung cấp trực tiếp làm việc với dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú trọng đến các giải pháp sáng tạo trong thiết kế, tích hợp hệ thống, các phương pháp điều khiển, xử lý tín hiệu và công nghệ lập trình thời gian thực để có thể gắn bó hữu cơ với máy móc, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh. Đây chính là cơ hội để nước ta đi tắt đón đầu, tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./. Bảo Ngọc

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/14363/seo/nan-giai-bai-toan-phat-trien-nhan-luc-co-dien-tu/language/vi-vn/default.aspx