Nan giải chuyện mua điện mặt trời mái nhà 'tự sản, tự tiêu' 0 đồng?

Điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở… để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán 0 đồng. Liệu rằng quy định trên có khiến điện mặt trời mái nhà giảm sức hấp dẫn, dù có thêm nhiều chính sách hỗ trợ. Chưa kể, EVN sẽ lấy nguồn điện này đi bán cho người dùng, vậy đã cân bằng lợi ích giữa các bên?

Tại Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (điện mặt trời mái nhà lắp đặt ở nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp…) được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đưa ra hàng loạt cơ chế, chính sách trong đó nhấn mạnh đến đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia là loại hình ưu tiên phát triển “không giới hạn”.

Mua 0 đồng nhưng EVN lại bán lấy tiền

Về định hướng phát triển, Bộ Công Thương khẳng định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. “Trường hợp, tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”.

Điện mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu" sẽ được đấu nối vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng.

Như vậy, có thể hiểu nôm na là nếu không bán 0 đồng, người dân, cơ quan, doanh nghiệp… phải tốn tiền đầu tư thêm hệ thống dự trữ. Còn không, nhà đầu tư có thể phát lên lưới điện quốc gia với giá bán 0 đồng.

Theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cần phải định rõ thế nào là ưu tiên, thế nào là khuyến khích. Theo ông, khuyến khích là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự đầu tư cho năng lượng; ưu tiên làm sao để người ta có lợi và có lợi cho cả nền kinh tế.

Về các chính sách, TS. Ngô Đức Lâm nhìn nhận, bây giờ đồng ý là cho nối vào lưới điện của Nhà nước là khuyến khích và ưu tiên nhưng đó chỉ là một phần, chưa có ý nghĩa toàn diện. Có nên giá mua là 0 đồng không?

“Người thiết kế chính sách cho rằng cho phép đấu vào lưới để lúc không sử dụng được năng lượng mặt trời thì được quyền mua điện trên lưới. Nhưng đấy chỉ là một chiều, nhưng ngược lại với những người đầu tư mà đầu tư lại không được quyền bán lại cho người khác hoặc có bán cho lưới lại là 0 đồng. Về chính sách kinh tế, tôi thấy hơi lạ và có lẽ không hợp lý lắm; cần nghiên cứu lại quy định 0 đồng”, ông Lâm nói.

Theo đó, TS. Ngô Đức Lâm cho rằng cần tính toán lại quy định bán điện 0 đồng có hợp lý hay không, nên theo hướng đưa vào lưới và có trả tiền, bởi EVN lấy nguồn điện này đi bán lấy tiền, rõ ràng phải trả theo giá nhất định.

Về phía nhà đầu tư là doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định: Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp rất phù hợp với chủ trương của Nhà nước, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Cẩm cho biết thực tế, có khoảng 30 - 50% DN trong ngành tùy theo vùng, miền đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, nhiều dự án đã dừng lại từ khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam không còn hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản, tự tiêu. Hiện, chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà.

Vì vậy, ông Cẩm cho rằng cần làm rõ khái niệm “tự sản, tự tiêu”, gắn với chính sách tổng thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư, an toàn phòng cháy, hoặc cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện...

Chi phí đầu tư tốn kém

Hơn nữa, đối với sản lượng điện dư được phát lên lưới điện quốc gia, EVN sẽ được hưởng phần điện dư này nhưng không mất tiền mua. Trong khi đó, việc hạch toán sản lượng điện dư cũng chưa có trong quy định. Do vậy, dù giữ đề xuất, song Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Cùng với đó, ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định thông tin, hiện nay, ở Nam Định đã có tổng cộng 6 khu công nghiệp, trong đó một số nhà máy nhỏ đã đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu xanh và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà máy khác có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà nhưng gặp phải nhiều khó khăn.

Vấn đề đầu tiên mà các DN gặp phải là văn bản từ Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, thông báo rằng các công ty điện lực trong khu vực đã tạm dừng việc thỏa thuận kết nối điện mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia. Điều này làm cho các DN địa phương mất phương hướng và chưa thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Thêm nữa, vấn đề các DN phải đối mặt là về chi phí đầu tư. Ông Chiên cho hay, để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng, điều này khiến cho các DN lo ngại về việc thu hồi vốn. Ngoài ra, một nhược điểm khác là mùa nóng ở Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như ở hai miền Trung và Nam, dẫn đến lượng năng lượng tiêu thụ không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu.

Trong cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua. Từ đó xác định rõ đối tượng; tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết có 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với điện mặt trời mái nhà là: Cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

TS. Trịnh Thị Tú Anh

Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Để phát triển điện mặt trời mái nhà, khuyến khích các cá nhân, DN đầu tư điện mặt trời thì cần có quy hoạch rõ ràng trong những năm tiếp theo, những vùng nào được phát triển điện mặt trời áp mái với tổng công suất là bao nhiêu thì chúng ta mới tính toán được lượng điện cần sử dụng là bao nhiêu, rồi lượng điện dư thừa có thể phát lên hệ thống là bao nhiêu. Thêm vào đó, cần hỗ trợ về kỹ thuật để có nền kỹ thuật chung, đồng bộ để trong tương lai chúng ta có mua điện dư thừa thì cũng có hệ thống kỹ thuật đảm bảo, đồng bộ.

Ông Phan Công Tiến

Chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tái tạo

Cần dựa trên quy luật thiết lập giá bán lẻ hiện nay để đưa ra những chính sách cho điện mặt trời mái nhà. Đồng thời sửa đổi phương pháp tính giá điện và phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có báo cáo đánh giá độc lập khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và công bố hàng năm bởi cơ quan chức năng. Điều này giúp chủ động hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết về khả năng tích hợp năng lượng tái tạo.

Ông Bùi Quốc Hoan

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam

Cần khuyến khích DN trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị lưu trữ nguồn điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết để chuyển thành nguồn điện nền sạch, sau đó phát lên lưới điện vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nan-giai-chuyen-mua-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-0-dong-1099331.html