Nạn nhân của bạo lực gia đình, quấy rối tình dục có xu hướng sử dụng chất gây nghiện

Nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình có xu hướng sử dụng chất gây nghiện, rượu và ma túy; có nhiều ý nghĩ tự hại, tự sát, bị trầm cảm, lo âu...

Người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để thăm khám

Đặc biệt thời đại mạng xã hội bùng nổ, nhiều vụ việc bạo lực, quấy rối tình dục đã được đưa ra pháp luật xử lý, nhưng hậu quả về sự tổn thương về thể chất và tâm lý của nạn nhân là vô cùng lớn. Sức khỏe tâm thần của các nạn nhân trở thành gánh nặng cho các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho thấy, số lượng người bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần vào Viện năm 2023 tăng 107,3% so với năm 2022, nhóm 25 - 39 tuổi chiếm tỷ lệ 29,9 %, tỉ lệ nữ nhập viện là 52,8%. Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể chiếm tỷ lệ nhiều nhất lên đến 18,7 %.

Ts. Bs. Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia

Bạo lực gia đình thường xảy ra với nữ giới, gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Những tổn thương tâm lý ở phụ nữ khi bị chồng bạo hành có thể kể đến như: Rối loạn cảm xúc với những dấu hiệu căng thẳng, lo lắng, hốt hoảng, suy nghĩ không tập trung; Người bệnh dễ bị xúc động, hay khóc, không thấy hạnh phúc, khó khăn trong khi đưa ra các quyết định, làm việc chậm chạp, không có hứng thú với các công việc hằng ngày; Buồn chán, cảm giác vô dụng và có ý nghĩa muốn kết thúc cuộc sống.

Nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình có xu hướng sử dụng chất gây nghiện, rượu và ma túy; có nhiều ý nghĩ tự hại, tự sát, bị trầm cảm, lo âu, các rối loạn ngủ, ăn uống; giảm các hoạt động thể chất hoặc có những hành vi tình dục không an toàn.

Đối với nạn nhân bị quấy rối tình dục, chủ yếu là trẻ em, thì sẽ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh, cảm xúc đáng sợ đó khi đang học tập, làm việc, kể cả khi ngủ hay trong giấc mơ. Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho trẻ sợ hãi, mất tập trung, buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển. Tình trạng đó cứ kéo dài âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe, đôi khi người bệnh cảm thấy không lối thoát.

TS.BS. Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, người bệnh đến khám do bị bạo lực gia đình, bạo lực tình dục đều là trong tình trạng có sang chấn tâm lý. Sang chấn tâm lý đó ảnh hưởng đến các hoạt động tâm thần của người bệnh như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ...

Hiện nay, việc chẩn đoán, điều trị người bệnh rối loạn liên quan stress, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm nói chung đã khó, ở những người bệnh bị bạo hành, quấy rối hoặc xâm hại tình dục thì càng khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ người bệnh khó nói ra nguyên nhân dẫn đến bệnh, khó nói về việc mình đã gặp phải trong quá khứ có xu hướng không chia sẻ stress mình gặp phải.

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám đánh giá và đưa ra kế hoạch điều trị bằng thuốc, các chuyên gia tâm lý sẽ trị liệu tâm lý cho người bệnh. Trường hợp rối loạn ở mức độ nhẹ chỉ cần điều trị tâm lý, còn rối loạn ở mức độ nặng hơn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lí.

Theo bác sĩ Cầm, người bệnh trầm cảm nặng có thể có triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, hành vi tự sát và nhiều người có xu hướng tìm đến cái chết như thắt cổ, nhảy sông... Để điều trị các rối loạn tâm thần thì mối quan hệ của người bệnh với gia đình phải chặt chẽ, có sự quan tâm nâng đỡ mới có kết quả tốt. Nhiều người bệnh được chỉ định uống thuốc nhưng không tuân thủ điều trị khiến cho quá trình điều trị càng trở nên khó khăn.

Hiện nay, tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đã có nhiều phương pháp điều trị cho người bệnh có rối loạn tâm thần nói chung cũng như các rối loạn liên quan stress (bạo lực gia đình, quấy rối tình dục) nói riêng. Về cơ bản, cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, tránh các áp lực trong cuộc sống. Cùng với đó nên tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia; tăng cường luyện tập thể dục thể thao để tinh thần sảng khoái và sức chịu đựng dẻo dai.

Khoảng 15 triệu người ở nước ta mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, chiếm 14,9% dân số. Các rối loạn về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều người còn mơ hồ về bệnh đến khi phát hiện thì đã quá muộn.

Theo Bộ Y tế

Hạn chế thiết bị điện tử, internet, tránh thức quá khuya, dậy quá sớm… Rèn luyện sức chịu đựng của bản thân, học cách ứng phó với các kích thích từ môi trường… phát hiện các biểu hiện bất thường sớm như lo âu, bất an, buồn chán, mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ nhiều… thì nên đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để thăm khám.

"Nhiều trường hợp tự ý mua thuốc để uống, khi bệnh nặng hơn mới vào bệnh viện làm khó khăn trong công tác điều trị", bác sĩ Cầm lưu ý.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nan-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh-quay-roi-tinh-duc-co-xu-huong-su-dung-chat-gay-nghien-20240513144622745.htm