Nạn nhân sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo nhận tiền hỗ trợ nhưng vẫn lo không có chốn dung thân

Thân nhân những người chết được đền bù lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng hàng trăm nạn nhân khác vẫn đang phải sống trong khu nhà tạm với tương lai bất định.

Vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo xẩy ra hồi tháng 9/2015 đã khiến 2 người chết, nhiều người bị thương, tài sản của người dân bị hư hỏng và 66 hộ dân phải di dời khỏi nơi ở.

Sau 1 năm, hàng trăm con người phải sơ tán mới có cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa những nạn nhân và ngành chủ quản. Người dân đòi bồi thường thiệt hại, muốn biết tương lai được định cư ở đâu? Có phải trả tiền tạm cư hay không, về lâu dài họ sẽ sinh sống ở đâu?

Tròn 19 tháng sau vụ sập, biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo vẫn quây tôn đóng cửa.

Lúc đó, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định: “Sẽ sớm thông báo hướng giải quyết việc đền bù cho các hộ dân”.

Trở lại khu CT1 khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai) nơi hàng 66 hộ dân ở 107 Trần Hưng Đạo tạm cư tròn 19 tháng qua, không khí lo lắng vẫn bao trùm.

Ông Nguyễn Đình Hải, nguyên tổ trưởng tổ dân phố 107 Trần Hưng Đạo cho biết: "Vợ tôi hôm sập nhà bị tường đè lên người phải đi viện cấp cứu, nay đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chi trả viện phí và hỗ trợ hơn 30 triệu đồng.

Thân nhân hai người chết được hỗ trợ nhiều hơn. Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được cơ quan chức năng hỗ trợ 300 triệu đồng. Những gia đình thiệt hại về tài sản như xe máy, đồ đạc bị vùi lấp đều được mời làm việc và hỗ trợ trên tinh thần thỏa thuận giữa hai bên".

Bà Tiêu và các nạn nhân vụ trong vụ sập biệt thự đều đã được hỗ trợ tiền.

Tuy nhiên, vấn đề hàng trăm con người ở khu tạm cư lo lắng nhất là nơi định cư thì vẫn chưa được giải quyết. Rất nhiều người dân cho biết sau khi một góc biệt thự đổ xuống, không những làm mất chỗ định cư của họ mà còn khiến họ mất đi công việc kiếm sống cho nên khi chuyển đến nơi ở mới không có tiền để trả tiền thuê nhà.

Câu hỏi đau đáu suốt thời gian qua, tương lai lâu dài họ sẽ đi đâu, ngành đường sắt chưa thể trả lời được bởi có nhiều quyết định vượt quá thẩm quyền của ngành này.

Tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn Đình Hải cho biết: "Điều lo lắng nhất của người dân vẫn là chỗ định cư. Chúng tôi vẫn chưa biết đi đâu về đâu"

Chỉ biết đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa trả tiền thuê nhà nơi họ được đưa về sống tạm. Ngành đường sắt cũng đã nhiều lần có công văn gửi Thành phố đề nghị miễn 100% tiền thuê nhà cho dân. Nhưng vẫn chưa có phản hồi rõ ràng.

66 hộ dân, trong đó phần nhiều là cán bộ ngành đường sắt về hưu. Họ tuổi cao, những tháng ngày nghỉ ngơi lại rơi vào hoàn cảnh sống thấp thỏm âu lo nơi ăn chốn ở.

Ông Hải cho biết, mới đây ông Nguyễn Văn Đinh, là tổ phó tổ dân phố vừa mới mất. "Cảnh già mà vẫn không được yên thân, sống mà không biết mai sau thế nào thật khổ. Nhưng, lo hơn là nhiều gia đình trẻ có con cái học hành trái tuyến, đi làm ngược đường vất vả. Khi thành phố không cho ở tạm nữa thì ở đâu?".

Nguyện vọng của 66 hộ dân là mong ngành đường sắt sớm giải phóng mặt bằng, để người dân có thể trở lại nhà cũ sinh sống. Nhưng mong muốn đó rất khó thực hiện.

Đại diện ngành đường sắt cho biết: “Nhà cổ 107 là nhà cổ thuộc danh mục bảo tồn của Thành phố, chúng tôi không có thẩm quyền sửa, ủi đi hay làm việc khác theo ý mình”.

Hà Phương

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nan-nhan-sap-biet-thu-107-tran-hung-dao-nhan-tien-ho-tro-nhung-van-lo-khong-co-chon-dung-than-20170419013848452.htm