Nâng bội chi nhưng phải kiểm soát được nợ công

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể nâng bội chi lên 5,3% tuy nhiên cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công, nếu không nợ công sẽ càng ngày càng phình ra.

Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập từng có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và 3 năm tại Việt Nam xoay quanh câu chuyện Chính phủ đề xuất nâng bội chi lên 5,3%.

Chính phủ vừa đề xuất nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3%. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Việc nâng bội chi trong thời điểm này là điều cần thiết. Tôi ủng hộ việc này vì những lý do sau: Thứ nhất là bởi ngân sách đang hao hụt vì việc thu thuế không đạt kế hoạch. Thứ hai là các chi phí công luôn luôn tăng, ví dụ như an sinh xã hội, y tế giáo dục, giao thông vận tải, quốc phòng… Đây là những chi phí không thể dừng hay giảm được mà luôn có xu hướng tăng.

Trong khi chi phí tăng mà nguồn thu ngân sách lại gặp nhiều khó khăn thì việc tăng bội chi là đương nhiên.

Nhưng vấn đề là nâng lên bao nhiêu? Năm ngoái là 4,8% và năm nay Chính phủ dự kiến sẽ tăng lên 5,3%, tức là khoảng 0,5% của GDP.

Theo ước tính của tôi thì 0,5% là chưa đủ. Phải tăng thêm 1%, tức là từ 4,8% lên 5,8% cho đến cuối năm 2014 thì mới có thể cân đối ngân sách hợp lý được.

Nhiều ý kiến lo ngại việc nâng bội chi đồng nghĩa với tăng nợ công. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?

Đúng là việc tăng bội chi sẽ gắn liền với một vấn đề quan trọng không kém là nợ công. Chính phủ chỉ có thể tăng bội chi bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ và in tiền.

Việc phát hành trái phiếu sẽ tăng nợ công lên. Điều đó cũng có nghĩa là Chính phủ phải đi vay để phát hành trái phiếu.

Ngay cả việc in tiền thì Chính phủ cũng không thể tự in được mà phải qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN muốn in tiền thì Chính phủ cũng vẫn phải phát hành trái phiếu, rồi bán trái phiếu đó cho NHNN, sau đó NHNN dùng trái phiếu đó để chi tiêu, cho đến cuối cùng thì nợ công tăng lên.

Nợ công hiện của chúng ta dự kiến đến cuối năm là 54%, và chúng ta còn khoảng zoom cho đến 65%. Tuy nhiên, đến năm 2020 thì cái zoom 65% của GDP sẽ không ổn. Vì chúng ta luôn khống chế nợ công ở trần 65% GDP, nhưng GDP năm nay là 150 tỷ, sang năm nó có thể là 160 tỷ, 170 tỷ… thành ra GDP phình ra đến đâu thì nợ công cũng phình ra đến đấy. Chính vì thế, ngoài việc khống chế nợ công bằng tỷ lệ GDP thì phải có một con số tuyệt đối về nợ công.

Như ở bên Mỹ, trần là 16.700 tỷ USD. Cũng vì Mỹ đã chạm đến cái trần đó nên trong những ngày vừa qua, hai Đảng của Mỹ mới xảy ra xung đột để đi đến một thỏa thuận nâng trần nợ công. Và trần nợ công có một mức độ tuyệt đối như vậy để cho Quốc hội biết khi nào cần phải đưa ra những chính sách, biện pháp mới.

Còn ở Việt Nam thì mới chỉ có mức trần khống chế 65% GDP thôi, nên tôi cho rằng cần phải có một mức trần là con số tuyệt đối.

Con số tuyệt đối đó có thể là gần đúng, hoặc là 65% GDP đấy gần đúng. Bất cứ 1 trong 2 cái đó gần đúng thì Quốc hội mới đưa vấn đề đó ra để bàn luận và đi đến một giải quyết.

Vậy chúng ta nên phải làm gì để kiểm soát tốt vấn đề nợ công, thưa ông?

Chúng ta cần một lộ trình để giảm nợ công, sau khi nó đạt đến mức 65% GDP hay một con số tuyệt đối nào đó. Chứ nếu không thì nợ công của chúng ta sẽ càng ngày càng phình ra là không ổn.

Theo tôi, có thể nâng bội chi lên 5,8%, nhưng phải có nút chặn là nợ công, cần phải kiểm soát một cách chặt chẽ. Biện pháp thì như tôi đã nói, nên có một con số tuyệt đối hoặc gần đúng về trần nợ công, có vậy chúng ta mới kiểm soát tốt được.

Cảm ơn ông!

DUYÊN DUYÊN - Ảnh Infonet

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/kinh-te/nang-boi-chi-nhung-phai-kiem-soat-duoc-cong/