NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Vượt khó để thực hiện ước mơ

Cậu Út của tôi - Nguyễn Nhân Hậu (SN 1995, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) là một trong những người đã trở thành tấm gương tiêu biểu về sự vượt khó vươn lên mà tôi phải noi theo và học hỏi.

Ông bà ngoại tôi có 8 người con, quanh năm gắn bó với nghề làm muối phải luôn trông cậy vào thời tiết. Thời gian trôi đi, mẹ tôi, các cậu, dì lập gia đình, ra riêng có việc làm ổn định. Riêng cậu Út vẫn sống với ông bà, làm muối để duy trì truyền thống nhưng thu nhập rất bấp bênh.

Khi ông tôi mất, bà ngoại cũng đã già, bao trách nhiệm đều đặt lên vai cậu Út. Dù ở độ tuổi còn ham chơi nhưng cậu rất có ý thức trách nhiệm chăm lo bà ngoại. Cậu đi làm thêm, chăn nuôi để tăng gia kinh tế cho gia đình, song cũng không cải thiện là bao.

Năm 2019, khi trong xã nổi lên phong trào đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), cậu tôi hỏi ý kiến đại gia đình về việc mong muốn đi XKLĐ để đổi đời. Ban đầu bà ngoại và các dì, cậu rất lo ngại bởi chuyện ra nước ngoài làm việc đâu có đơn giản, phải qua nhiều thủ tục, nhất là việc học tiếng và chi phí. Nhưng khi nhìn thấy quyết tâm của cậu, gia đình đã đồng ý.

Cậu tôi đăng ký khóa học đi XKLĐ tại một trung tâm ở TP HCM. Suốt mấy tháng dùi mài "kinh sử", cậu tôi không còn như ngày nào nữa, giờ đã trưởng thành, chăm chỉ hơn. Khi gia đình lên thăm cậu, thấy trong phòng toàn sách dạy tiếng Nhật, kỹ năng... Mẹ tôi nói: "Cậu Út con học để đi XKLĐ như tay không đánh giặc vậy". Bởi cậu không biết gì về tiếng, không am hiểu về văn hóa Nhật, nhất là chẳng có tiền để học.

Cậu của tác giả, Nguyễn Nhân Hậu tại Nhật Bản trong ngày nghỉ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hai tháng sau khi cậu lên thành phố học, ngoại tôi ở nhà vẫn lam lũ làm muối để gửi tiền cho cậu. Dù rất cố gắng, cậu phỏng vấn đến lần thứ ba vẫn trượt vì thiếu kỹ năng... Cộng với dịch COVID-19 bùng phát, việc XKLĐ lại càng khó khăn hơn. Khoảng thời gian dài ở TP HCM, cậu cũng không thể đi làm nên cuộc sống rất chật vật. Ở quê, ngoại tôi lo lắng khiến sức khỏe sa sút. Các cậu, dì, mẹ tôi thay nhau chăm sóc. Suốt thời gian dịch bệnh ấy, ngoại bấm bụng cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng để cậu tiếp tục thực hiện ước mơ.

Năm 2022 dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam - Nhật Bản đã mở cửa trở lại, cậu tôi cũng có một buổi phỏng vấn cho đơn hàng về cơ khí và đã thành công, cậu gọi điện về báo tin ai cũng rất vui mừng. Với tôi và mọi người trong gia đình, hôm đó là ngày hạnh phúc nhất.

Ngày 8-4-2022, cậu chính thức sang Nhật Bản làm việc. Trong gia đình tất cả đều vui vì cuối cùng cậu cũng đã thực hiện được khát vọng đổi đời của mình. Hôm ấy, ngoại tôi rơm rớm nước mắt vì lần đầu tiên con mình đi xa đến 3 năm, nhưng rất hãnh diện vì con trai mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Tổng chi phí sau gần 2 năm cậu học tập, sinh hoạt và tiền đi Nhật Bản là gần 300 triệu đồng được vay từ ngân hàng, chị em trong nhà và tiền bán dê cùng 2 bồ muối. Cậu nói: "Sang Nhật cố gắng làm việc, chi tiêu tiết kiệm để có tiền gửi về trả nợ, sau đó mới dành dụm cho tương lai". Đến giờ cậu gọi điện về vẫn nói quyết định đi XKLĐ của mình là đúng đắn. Từ đó, học được nhiều kỹ năng, kiến thức và những bài học về cuộc đời của mình.

Giờ đây, cậu tôi chính là một tấm gương về sự nỗ lực, ý chí quyết tâm vượt khó để thực hiện ước mơ mà tôi cần phải học hỏi. Khi nản chí, nhớ về cậu, tôi có thêm nhiều niềm tin tươi sáng vào tương lai.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thể lệ cuộc thi

Hạ Thị Xuân Mai (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vuot-kho-de-thuc-hien-uoc-mo-196240511210101094.htm