Nâng cao công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng 17-7, tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) – Thực trạng, giải pháp và vấn đề đặt ra hiện nay ở các địa phương phía Nam'.

Đồng chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Lịch sử ĐCSVN là một tài sản quý báu của Đảng ta. Công tác Lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng ta, cần được toàn Đảng tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Kết quả của công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng góp phần trực tiếp, quan trọng trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận của Đảng, góp phần xây dựng Đảng thật sự TSVM về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, và không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, trách nhiệm, thảo luận rõ về thực trạng công tác nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng và trong xã hội, thực trạng công tác chỉ đạo của cấp ủy các địa phương, vai trò tham mưu của cơ quan tuyên giáo, thực trạng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, cũng như giới thiệu những mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay ở các địa phương…

Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, ngày 28-8-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) ra Chỉ thị 15-CT/TW về Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ĐCSVN. Chỉ thị đánh dấu bước phát triển trong nhận thức và sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ĐCSVN. Đến nay, các địa phương trong cả nước đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ ở các cấp độ, thời gian khác nhau. Trong đó, 21/63 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ đến năm 2000, 27/63 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2005, 5/63 tỉnh, thành phố xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2010; khoảng 95% quận, huyện xuất bản được Lịch sử Đảng bộ, gần 50% xã, phường xuất bản Lịch sử Đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống. Tuy nhiên, so với các địa phương miền Bắc và miền Trung thì các địa phương phía Nam có tỷ lệ xuất bản lịch sử đảng bộ còn thấp.

Các tham luận tại hội thảo khẳng định, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ĐCSVN đã đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc hơn truyền thống, làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn lịch sử ĐCSVN và dân tộc Việt Nam. Qua đó, góp phần đấu tranh có hiệu quả với luận điệu sai trái, xuyên tạc và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đã phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng còn tồn tại các hạn chế như một số bản thảo lịch sử còn hạn chế chủ yếu mang tính liệt kê sự kiện chưa nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc và có tính khái quát, việc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ chưa thường xuyên, một số địa phương tổ chức cơ quan nghiên cứu Lịch sử Đảng chưa tương xứng, cán bộ kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, nhất là ở tuyến cơ sở…

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, theo các đại biểu, để nâng cao công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ĐCSVN, từng địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định các công trình lịch sử, đẩy mạnh công tác sưu tầm, xác minh tư liệu lịch sử; quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách, có tâm huyết, trình độ chuyên môn và thường xuyên phối hợp Viện Lịch sử Đảng hướng dẫn, tập huấn công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, kết hợp đào tạo nguồn cán bộ cho công tác này. Các tham luận cũng đề nghị cần giữ lại Phòng Lịch sử Đảng là một cơ quan độc lập thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các địa phương trong nghiên cứu, biên soạn, cũng như coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, cần nghiên cứu, học tập, phát triển mô hình tiêu biểu trong nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng giữa các địa phương.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/nang-cao-cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-cong-san-viet-nam-512612