Nâng cao kỹ năng thẩm tra cho đại biểu

Quy trình thẩm tra của HĐND các cấp đã được quy định rõ, song không phải nơi nào cũng thực hiện tốt, nhất là đối với cấp cơ sở. Hội nghị chuyên đề trao đổi về quy trình, kinh nghiệm, kỹ năng thẩm tra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, góp phần khắc phục những bất cập, nâng cao kỹ năng cho đại biểu hoạt động hiệu quả hơn.

 Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị chuyên đề.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị chuyên đề.

Khó khăn do kiêm nhiệm!

Hoạt động thẩm tra của HĐND có vai trò quan trọng trước mỗi kỳ họp và trách nhiệm này thuộc về các ban chuyên môn của HĐND từ thành phố đến cơ sở. Các ban sẽ đánh giá toàn diện từng vấn đề, thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm tra trên cơ sở nhận định, phân tích, lý giải có căn cứ pháp lý, thực tiễn thuyết phục, để cung cấp thông tin đa chiều cho đại biểu thảo luận, quyết định tại kỳ họp.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm tra. Đó là một số báo cáo, đề án của UBND gửi về Thường trực HĐND còn chậm so với yêu cầu. Thêm nữa, thành viên các ban HĐND đa số là kiêm nhiệm, không có nhiều chuyên gia am hiểu các lĩnh vực chuyên sâu, khả năng phản biện còn hạn chế..., làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên thừa nhận, hoạt động thẩm tra của HĐND cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu. Một số nơi ngại va chạm nên việc xem xét thẩm tra còn mang tính hình thức. Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh phản ánh thêm, việc nắm bắt, trao đổi thông tin giữa các ban HĐND với các phòng, ban chuyên môn của UBND cấp huyện còn hạn chế. Có trường hợp, đến khi diễn ra cuộc họp, đại biểu HĐND mới nhận được văn bản, gây khó khăn cho công tác thẩm định. Ngoài ra, một số đại biểu chưa chủ động, ngại thể hiện chính kiến trước những vấn đề cần thẩm định.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai nhận xét, việc thẩm tra các báo cáo của HĐND cấp thành phố khá thuận lợi, có sự phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban. Đơn cử, việc thẩm tra về dự toán, quyết toán thu chi ngân sách ở cấp thành phố, Ban Kinh tế - Ngân sách đã xây dựng cơ chế làm việc với cơ quan kiểm toán ngay từ đầu, tiếp cận được thông tin sát thực. Riêng cấp quận, huyện có khó khăn hơn do chung cơ quan Văn phòng HĐND - UBND, vừa tham mưu xây dựng báo cáo, vừa tham mưu thẩm tra.

“Cẩm nang” cần thiết

Từ thực tế hoạt động, nhiều đại biểu cho rằng, để thẩm tra chính xác, ngoài việc phối hợp với UBND chuyển tài liệu sớm để nghiên cứu, các ban của HĐND cần khảo sát chuyên đề lĩnh vực mà cử tri kiến nghị, dư luận bức xúc để nắm thông tin đa chiều. Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của cơ quan soạn thảo và UBND cần gửi cho Thường trực và các ban HĐND đúng thời gian quy định.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương nêu kinh nghiệm, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan soạn thảo với các ban HĐND; khi hoàn thành dự thảo kịp thời gửi cho các ban HĐND cùng cấp để sớm tổ chức thẩm tra, tránh tình trạng sát thời điểm diễn ra kỳ họp mới gửi, gây ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra.

Ngoài ra, theo bà Hồ Thị Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, nhiệm vụ của HĐND cấp quận, huyện có nội dung thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách cho địa phương và phê chuẩn quyết toán theo quy định của luật. Đây là công việc khá phức tạp, đòi hỏi đại biểu phải có chuyên môn sâu. Quyết toán ngân sách là khâu cuối cùng của chu trình quản lý ngân sách, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND cấp quận, huyện cần quan tâm, lưu ý những hạn chế, bất cập nếu có để rút kinh nghiệm cho công tác thực hiện dự toán ngân sách các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh HĐND các cấp đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm, Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Tiến Thuận đánh giá, việc trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là việc tiếp cận tài liệu hướng dẫn quy trình, trình tự thẩm tra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất hữu ích. Đó là “cẩm nang” giúp các đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nâng cao kỹ năng thẩm tra, giúp cho các quyết sách của HĐND trúng, đúng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri cũng như thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/871569/nang-cao-ky-nang-tham-tra-cho-dai-bieu