Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng

Quỳnh Hoa

(Cadn.com.vn) - Chiều 7-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UB) Lê Thị Nga, UB thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Báo cáo tại phiên họp, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.

Chính phủ dự báo, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính chất tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Tán thành với nhiều nguyên nhân được Chính phủ đề cập trong báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm; nói không đi đôi với làm; kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát quyền lực qua công tác kiểm tra thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ... Những nguyên nhân này cần được đánh giá làm rõ để tìm giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015 (có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự). Việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Đồng thời, dư luận cũng phản ánh tình trạng người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để khi xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, nhất là 5 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự được nêu trong báo cáo là do họ có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_154248_nang-cao-tra-ch-nhie-m-nguo-i-du-ng-da-u-trong-pho.aspx