Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Những năm gần đây, các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia tích cực và góp phần thực hiện hiệu quả pháp luật, các chính sách và hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm của các chủ thể này trong PCTN chưa được quy định cụ thể trong Luật PCTN và pháp luật liên quan, đã tạo ra sự lúng túng của không ít cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong quản lý một số hoạt động PCTN của các tổ chức xã hội, gây khó khăn và chưa phát huy hết những đóng góp tích cực của chủ thể này vào công cuộc PCTN tại Việt Nam. Tình trạng này còn dẫn đến việc chúng ta chưa tiệm cận đầy đủ quy định của Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) về bảo đảm sự tham gia của các tổ chức và cá nhân ngoài khu vực nhà nước trong PCTN.

Luật PCTN đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội không sử dụng ngân sách nhà nước (do Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ) trong PCTN và dành mục 2, Chương VII quy định về PCTN trong các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ hướng đến trách nhiệm PCTN trong nội bộ tổ chức và hoạt động của bản thân các tổ chức này. Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trực thuộc MTTQ đã được phản ánh trong quy định về "Vai trò và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên" của Luật PCTN. Nhưng với các tổ chức không phải là thành viên MTTQ, luật chưa quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các tổ chức này trong công tác đấu tranh PCTN nói chung.

Việc Việt Nam phê chuẩn UNCAC vào năm 2009 đã mang tới động lực mới cho những nỗ lực chống tham nhũng. Tăng cường sự tham gia, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng để giúp Việt Nam kiểm soát tham nhũng tốt hơn. UNCAC là công cụ chống tham nhũng ràng buộc về mặt pháp lý, ghi nhận vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách kêu gọi Chính phủ nâng cao tính minh bạch, tăng cường tiếp cận thông tin đại chúng và thúc đẩy sự đóng góp của công dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.

Để đẩy lùi vấn nạn tham nhũng đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện bằng việc Chính phủ, các công ty tư nhân, cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và toàn thể người dân phối hợp cùng nhau. Chuyên gia về PCTN khu vực Đông - Nam Á và Thái Bình Dương (UNODC) Ph.Chéc-chi cho biết: Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự trong công tác đánh giá việc thực thi UNCAC, xây dựng và giám sát các chiến lược và việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Chính phủ cần có cơ chế bảo vệ hiệu quả cho các tổ chức xã hội dân sự, tích cực tham khảo ý kiến và thúc đẩy sự tham gia của họ trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, thực thi và giám sát chính sách PCTN.

"Khảo sát về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 do LHQ hỗ trợ cho thấy, người Việt Nam bày tỏ nhiều quan ngại về tham nhũng trong khu vực công và hoạt động cung cấp dịch vụ công, cũng như lo lắng về nạn tham nhũng và "gia đình trị" trong việc làm ở khu vực công. Ngoài ra, nhiều người dân thiếu tự tin về mức độ sẵn sàng kiểm soát tham nhũng, chỉ 37% số người tham gia nói rằng chính quyền địa phương của họ nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng".

Ph.Chéc-chi

Chuyên gia UNODC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/32027102-nang-cao-vai-tro-cua-cac-to-chuc-xa-hoi-trong-phong-chong-tham-nhung.html