Nâng cao vai trò của kiểm toán để chấn chỉnh các dự án BOT

(HQ Online)- Các dự án giao thông BOT đã giúp giải quyết giải pháp huy động vốn để cải thiện, phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Bên cạnh những kết quả tích cực, các dự án này vẫn cần phải có sự thay đổi và cách nhìn nhận mới.

Các dự án giao thông BOT còn nhiều bất cập cần sự quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh

Vấn đề nêu trên đã được các chuyên gia bàn luận sâu hơn khi tham dự Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức vào ngày 15-9 tại Hà Nội.

Còn nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc, TS. Hồ Đức Phớc, Ủy viên TW Đảng, Tổng KTNN đánh giá, ngoài kết quả đạt được như hệ thống đường sá, cầu cống, cơ sở hạ tầng khác phát triển bằng nguồn vốn xã hội hóa thì các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ như việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, chưa theo quy định, mức thu và thời gian thu phí chưa hợp lý đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp…

Đánh giá về công tác thu phí tại các dự án BOT, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực trạng công tác thu phí hoàn vốn còn nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện như: các trạm thu phí đặt không hợp lý, công trình một nơi – thu phí một nơi. Tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km.

“Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Theo đánh giá của ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, hiện vẫn chưa có một báo cáo đánh giá so sánh giữa lợi ích mang lại cho người sử dụng với mức phí người sử dụng phải đóng. Hơn nữa, khung pháp lý (cơ chế quản lý) vẫn đang được hoàn thiện, từ năm 2007 đến nay, có nhiều thay đổi, bổ sung cơ chế quản lý, các quy định của nhà nước ngày càng chặt chẽ, cụ thể hơn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mặc dù còn những hạn chế, nên trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT là rất quan trọng và cần thiết nên phải có giải pháp cụ thể.

Vì thế, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, vai trò của KTNN là góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án BOT đối với cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, tạo niềm tin cho nhân dân.

Tuy quan trọng, nhưng theo TS. Lưu Trường Kháng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành V, công tác kiểm toán cũng bị ảnh hưởng bởi những đặc điểm riêng biệt của các dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Bởi các dự án này có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức nên việc thực hiện kiểm toán có nhiều phức tạp.

Tiêu biểu như quá trình thực hiện dự án, từ công tác lựa chọn nhà thầu thi công, quản lý chi phí, chất lượng công trình… đều do nhà đầu tư thực hiện mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, do vậy có thể không tuân thủ quy trình đầu tư của Nhà nước dẫn đến tăng chi phí đầu tư của dự án, vì vậy công tác kiểm toán hàm chứa nhiều rủi ro.

Từ những vấn đề trên, các chuyên gia tham dự hội thảo đều nhận định, trong thời gian tới, Chính phủ cần có cách thức lựa chọn công trình, quản lý, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, để từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần thu hút nguồn vốn để phát triển kinh tế của đất nước.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nang-cao-vai-tro-cua-kiem-toan-de-chan-chinh-cac-du-an-bot.aspx