Nâng cao ý thức, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội

Trong đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người Việt, lễ hội gắn bó như một sinh hoạt tất nhiên đáp ứng nhu cầu được trở về tự nhiên và cội nguồn, là một hình thức 'bảo tàng sống' về văn hóa truyền thống, là dịp để người dân thể hiện sức mạnh cố kết của cộng đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đi hội thế nào, hành xử ra sao để ngày xuân du hội được đẹp, thanh thản, để thực sự thụ hưởng một không gian tâm linh và đậm đặc màu sắc văn hóa truyền thống.

Những chuyển biến tích cực

Theo thống kê, mỗi năm ước tính có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng. Mỗi cộng đồng làng xã có truyền thống riêng, lễ hội riêng, với sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc.

Trong mùa lễ hội năm 2017, Bộ VH-TT&DL sẽ tập trung vào trọng tâm là xử lý những vấn đề nổi cộm của năm 2016 để đảm bảo nếp sống văn minh trong lễ hội. Bộ VH-TT&DL cũng khuyến cáo các địa phương không cấp phép tổ chức các lễ hội như vậy bởi đây là lễ hội có yếu tố kích động bạo lực sẽ ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Mùa lễ hội năm nay, công tác tổ chức lễ hội đang đi vào quy củ, nề nếp, những mặt trái của lễ hội đang dần được rút kinh nghiệm và khắc phục nhiều đơn vị quản lý chủ động thay đổi cách thức tổ chức. Có thể kể đến lễ hội “Chém lợn” làng Ném Thượng (Bắc Ninh) diễn ra ngày 2/2/2017 (mồng 6 Tết âm lịch) không còn cảnh chém ông ỉn công khai ở sân đình mà đưa vào khu vực có bạt quây kín. Đây là cách giải quyết được tiến hành từ dịp Tết năm trước.

Tương tự là hội cầu trâu (Phú Thọ), ông Nguyễn Đắc Thủy (Phó Giám đốc Sở

VH-TT&DL Phú Thọ) chia sẻ: “Từ năm nay (tức năm 2017), người thực hành sẽ chỉ dùng vồ bọc cao su dày đập dứ vào đầu trâu theo ý tượng trưng. Sau đó, trâu sẽ được đưa vào khu vực khuất, giết thịt làm cỗ”.

Chợ Chuộng ở Thanh Hóa, hàng năm chứng kiến cảnh du khách và người dân đánh nhau bươu đầu mẻ trán ở phiên chợ họp mồng 6 Tết, riêng năm nay lại diễn ra êm đẹp, không có đổ máu.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội vùng Lim (Bắc Ninh) đang được gấp rút hoàn tất. Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội vùng Lim nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ “ngả nón, mời trầu nhận tiền”, yêu cầu chủ tịch UBND các xã Nôi Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim tổ chức ký cam kết không ngửa nón nhân tiền đối với các câu lạc bộ quan họ ở địa phương mình hát phục vụ du khách tại lễ hội.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng

Song bên cạnh những điểm sáng đó, nhiều hình ảnh không mấy sáng sủa tại các lễ hội vẫn tái diễn. Hội chùa Hương (sáng 2/2/2017) vẫn diễn ra cảnh tượng chen lấn ở mọi vị trí vào chùa. Sau khi kết thúc lễ khai hội là lễ phát lộc, tại đây tiếp tục diễn ra cảnh đám đông xô đẩy, giành giật, thậm chí cấu véo đầu tóc quần áo nhau để giành giật lộc phần được phát ngay tại sân chùa.

Tương tự, hội Gióng đền Sóc (cũng tổ chức trong sáng 2/2) tiếp tục là cuộc chiến của hàng nghìn người chen lấn tranh cướp phần kiệu hoa tre. Không được như dự tính của ban tổ chức, ngay khi kiệu lễ rước trầu cau vừa ra khỏi đền Thượng, nhiều thanh niên đã reo hò, lao vào cướp trầu cau bất chấp sự can thiệp của lực lượng công an bảo vệ. Một số người không cướp được lộc quay ra ẩu đả lẫn nhau, càng gây mất an ninh trật tự.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, văn hóa lễ hội đầu năm là một trong những nét văn hóa đẹp và riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội đó với một tâm thành và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc. Để các lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng mà nó vốn có, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này.

Tín ngưỡng là lòng thành chứ không phải do mâm cao lễ lớn. Tâm không sáng thì có đi xin cũng chẳng thánh thần nào cho lợi lộc ấy cả. Vì thế, cơ quan quản lý văn hóa có nỗ lực đến mấy thì cũng không thể quản lý nổi nếu mỗi người dân không chịu nâng cao ý thức của bản thân mình.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nang-cao-y-thuc-gop-phan-giu-gin-net-dep-van-hoa-le-hoi-2900845-b.html