Nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Hiện tại vẫn chưa có vắc xin và biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh SXH. Vì vậy, người dân cần chủ động nâng cao ý thức để phòng tránh mắc bệnh.

Số ca mắc SXH tăng cao

Sau 5 ngày được các y bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông điều trị SXH, chị Đinh Thị Mỹ Hiền, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa đã được xuất viện. Chị Hiền chia sẻ, 1 tuần trước đó, chị xuất hiện các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi trong người. Vì cho rằng bị sốt thông thường nên chị đã mua thuốc uống và điều trị tại nhà. Sau 2 ngày thấy các triệu chứng vẫn không khỏi, thậm chí chuyển biến nặng, sốt 40 độ kèm co giật cơ, chị đã nhập viện. Qua xét nghiệm máu, chị được cho biết bị mắc SXH.

Bệnh nhân mắc bệnh SXH đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Bệnh nhân mắc bệnh SXH đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Bác sĩ CKI Ya Đuyên, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, khoa tiếp nhận khoảng 150 ca nhập viện do SXH. Hiện nay, trong thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến thất thường, số ca nhập viện do SXH có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Khoa Truyền nhiễm, tại Khoa Nhi cũng tiếp nhận 41 trường hợp trẻ nhập viện do SXH từ đầu năm đến nay. Anh Lê Quý Đông, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa cho biết, sau nhiều ngày tự điều trị tại nhà nhưng thấy cơn sốt của con không giảm, gia đình quyết định đưa con tới bệnh viện. Qua thăm khám và xét nghiệm máu, con anh nhanh chóng được nhập viện và điều trị SXH tại Khoa Nhi.

Bệnh nhi mắc bệnh SXH đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Bệnh nhi mắc bệnh SXH đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông

Từ ngày 1/1-9/5/2024, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 294 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 47/71 xã/phường/thị trấn thuộc 8/8 huyện, thành phố. Cụ thể, TP. Gia Nghĩa có số ca mắc nhiều nhất với 141 ca; huyện Đắk R’lấp 61 ca; huyện Đắk Song 45 ca; huyện Krông Nô 18 ca; huyện Cư Jút 14 ca; huyện Tuy Đức 7 ca; huyện Đắk Mil 5 ca; huyện Đắk Glong 3 ca. So với cùng kỳ 2023, tăng 39 ca SXHD; số xã có ca mắc SXHD giảm 2 xã, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Nguồn thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 16 ổ dịch SXHD tại 5/8 huyện, thành phố, phân tán tại 16 phường/xã/thị trấn. Hiện 6 ổ dịch đang hoạt động và 10 ổ dịch đã kết thúc. Địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch nhất là TP. Gia Nghĩa với 10/16 ổ dịch, chiếm tỷ lệ 62,5% ổ dịch toàn tỉnh. Trong đó, ghi nhận một số ổ dịch tái phát nhiều lần cụ thể như 3 ổ dịch tại tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, 2 ổ dịch tại bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia.

Diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng tránh muỗi đốt

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng Chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, Trung tâm đã chủ động triển khai các biện pháp kịp thời nhằm bảo đảm tránh bùng phát dịch.

Theo đó, ngành Y tế tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn tuyến cơ sở trong việc thực hiện công tác phòng, chống SXHD. Sớm phát hiện các trường hợp mắc SXH, từ đó nhanh chóng tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo quy định.

Nhân viên y tế tiến hành xịt khử khuẩn tại các hộ gia đình thuộc tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa

Nhân viên y tế tiến hành xịt khử khuẩn tại các hộ gia đình thuộc tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa

Ngoài ra ngành Y tế chủ động sẵn sàng hóa chất, trang thiết bị và nhân lực đáp ứng công tác phòng, chống dịch chủ động và xử lý ổ dịch; triển khai các đợt ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy tại các thôn bon, tổ dân phố; duy trì hoạt động này 1 lần/tuần tại khu vực ổ dịch, 2 tuần/lần tại khu vực nguy cơ cao.

Máy phun đặt trên xe ô tô phun khử khuẩn tại cộng đồng

Máy phun đặt trên xe ô tô phun khử khuẩn tại cộng đồng

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Hiện tại vẫn chưa có vắc xin và biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh SXH. “Cách phòng bệnh SXH hiệu quả nhất hiện nay là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng tránh muỗi đốt”, bác sĩ Nguyễn Ly Sắc khuyến cáo.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nang-cao-y-thuc-phong-chong-sot-xuat-huyet-211695.html