Nâng chất phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Nhiều gia đình cộng lại thì mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình'.

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong ảnh: Hội thi Gia đình đọc sách tỉnh Phú Yên năm 2023. Ảnh: THIÊN LÝ

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong ảnh: Hội thi Gia đình đọc sách tỉnh Phú Yên năm 2023. Ảnh: THIÊN LÝ

Nhận thức được điều đó, nhiều gia đình luôn biết cách tạo dựng, giữ gìn những nét văn hóa ứng xử tạo nên nền nếp gia phong, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng gia đình văn hóa đã và đang trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa đến từng dòng họ, làng xóm, thôn, buôn, tổ dân phố... Đặc biệt, ý thức tự giác trong xây dựng gia đình văn hóa được thể hiện qua nhiều hoạt động ý nghĩa.

Gìn giữ hạnh phúc mái ấm gia đình

Gia đình bà Trần Thị Trúc ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) là một trong những gia đình văn hóa được nhiều người nể phục, noi theo. Vợ chồng bàsống với nhau hơn 40 năm nay. “Chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng”, nhưng mọi bất đồng trong gia đình bà đều được giải quyết bằng đối thoại; và ông bà, cha mẹ luôn nêu gương trong mọi việc. Nhờ đó, các con bà Trúc đều có gia đình yên ấm, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống.

Theo bà Trúc, để có được điều này, bản thân bà luôn nhìn vào gia đình để cố gắng, phấn đấu. Vợ chồng bà luôn dạy con cháu phải yêu thương, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Các con trai, gái, dâu, rể cố gắng chăm lo xây dựng gia đình đầm ấm, thuận hòa và trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Còn chị Bùi Thị Nhung ở phường 8 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Công việc hằng ngày của vợ chồng đều bận rộn, nhưng đối với chúng tôi, việc gìn giữ hạnh phúc mái ấm gia đình rất quan trọng. Chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý để vừa hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa chăm lo tốt cho gia đình mình.

Những giây phút vui đùa bên con nhỏ là khoảng thời gian vợ chồng tôi tìm được sự thoải mái và thảnh thơi nhất sau những áp lực công việc. Càng bận rộn, vợ chồng tôi càng trân trọng quãng thời gian đó hơn. Tôi nghĩ, đây cũng là cách để các thành viên trong một gia đình trẻ như tôi có cơ hội thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”.

Nâng cao chất lượng

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống; tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; hội thi Karaoke gia đình văn hóa; hội thi Gia đình đọc sách... Đồng thời tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 15 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025...

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 96,6% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc bình xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa vẫn còn một số khó khăn và bất cập.

Để nâng chất phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/1/2024, quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu, trong đó có danh hiệu Gia đình văn hóa.

Theo đó, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, gia đình đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương; gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và mỗi cá nhân về vai trò, ý nghĩa của xây dựng gia đình văn hóa; đưa các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, gia đình văn hóa, gia đình không có bạo lực vào quy ước khu dân cư; gắn kết và phát huy vai trò của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phát triển văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn minh nơi công cộng…

Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/312068/nang-chat-phong-trao-xay-dung-gia-dinh-van-hoa.html