Nặng nỗi lo vốn trái phiếu khó giải ngân

Trước việc Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa hoàn thành trước hạn kế hoạch huy động 281.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm nay, có ý kiến quan ngại điều này nói lên thực trạng KBNN “tranh” huy động vốn với các chủ thể khác trên thị trường.

Ảnh Internet

Cách nhìn trên, theo bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN là chưa chuẩn xác. Ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, chính phủ vẫn phát hành trái phiếu để duy trì sự phát triển của thị trường tài chính.

Huy động vốn TPCP năm nay tốt, theo bà Vân Anh, do bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát và mặt bằng lãi suất thấp. Trong năm nay, một số chính sách mới có hiệu lực đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát hành TPCP, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi Thông tư 36/2014 liên quan đến quy định tỷ lệ giới hạn đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

Trong đó cho phép nới tỷ lệ đầu tư vào TPCP áp dụng với các tổ chức này, nên họ thuận lợi hơn trong tiếp cận TPCP. Kinh tế trong nước ổn định, nên nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến đầu tư TPCP Việt Nam, với tỷ lệ đầu tư cao hơn so với năm 2015.

Điều đáng quan ngại là trong khi tốc độ huy động vốn TPCP đã vượt kế hoạch đề ra cho năm nay, thì theo KBNN, đến hết tháng 11/2016, giải ngân vốn TPCP mới đạt 42,1% kế hoạch năm. Ngay khi KBNN huy động vốn thành công qua từng đợt phát hành TPCP, thì nghĩa vụ trả lãi đã phát sinh đối với ngân sách nhà nước. Do vậy, nếu khoản tiền không được giải ngân và tạo ra hiệu quả, việc đọng vốn sẽ gây tốn kém cho ngân sách, tăng thêm gánh nặng nợ công.

Theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ kiểm soát chi, KBNN, việc huy động vốn đáp ứng nhiều nhu cầu chi của ngân sách, trong đó có chi cho đầu tư. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công, nên còn vướng mắc về thủ tục, khâu thẩm tra, thẩm định, nhất là những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã cùng vào cuộc sửa đổi cơ chế, thủ tục kiểm soát chi, giao dự toán… nên tốc độ giải ngân những tháng cuối năm khá tốt và chiếm tỷ lệ cao so với 6 tháng đầu năm.

“Vừa qua, Tổng giám đốc KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh nghiêm túc thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo nguồn vốn luôn sẵn sàng từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương phải vào cuộc để tháo gỡ khó khăn và phối hợp với chủ đầu tư rà soát chuẩn xác số liệu để các chủ đầu tư điều chỉnh kịp thời, không để tồn đọng vốn vì bất cứ lý do gì…”, ông Hiệp cho hay.

Để không tái diễn tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn TPCP trong năm 2017, nếu chỉ có sự nỗ lực của hệ thống KBNN thôi chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của các bộ, địa phương, các chủ đầu tư trong tuân thủ nghiêm các giải pháp mới vừa được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Công điện 2144/CĐ-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/trai-phieu/nang-noi-lo-von-trai-phieu-kho-giai-ngan-172688.html