Nắng nóng gây thiệt hại nặng đến trồng lúa, nuôi tôm ở Bạc Liêu

NDĐT - Có thể nói, vào vụ sản xuất năm 2010, nhiều nông dân ở hai vùng mặn-ngọt Bạc Liêu rất phấn khởi vì con tôm và hạt lúa đều có giá cao. Tuy nhiên, niềm vui chưa lâu thì thay bằng nỗi lo nhiều tháng qua nắng nóng gay gắt kéo dài, làm thiệt hại lớn đến sản xuất và đảo lộn đời sống của người dân...

Tôm nuôi... điêu đứng Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, đến cuối tháng 3 dương lịch, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 150.000 ha tôm. Trong đó, tôm công nghiệp, bán công nghiệp gần 1.500 ha, còn lại nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Do nắng nóng kéo dài nên phần lớn nguồn nước trên các kênh rạch đã bị cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ngày càng tăng. Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 7000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân tôm chết được xác định hầu hết do nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ chênh lệch quá cao giữa ngày và đêm nên tôm nuôi bị sốc... Kỹ sư Lương Ngọc Lân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết: “Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa con tôm và cây lúa cho bà con nông dân, Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu buộc phải cho mở một số cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc theo tuyến quốc lộ 1A để tiêu thoát nước mặn ra sông Bạc Liêu - Cà Mau; đồng thời “kéo” nước ngọt từ kênh Quản lộ - Phụng Hiệp về để cứu lúa. Việc làm này ước tính sẽ có khoảng 20.000-25.000 ha tôm nuôi bị thiếu nước mặn do việc điều tiết nước thời gian tới không được “mạnh tay” vì phải đề phòng tình trạng xâm nhập mặn vào vùng ngọt. Để khắc phục và hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm, ngoài việc khuyến cáo người dân tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật cải tạo ao, thả nuôi, chăm sóc..., ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đang tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với chất lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh và nhập từ ngoài tỉnh để đảm bảo chất lượng, hạn chế thiệt hại cho người dân...”. Nông dân Bạc Liêu tích cực cứu lúa. Lúa cũng... chết khát... Vụ lúa đông xuân (lúa vụ 3) năm nay, Bạc Liêu có gần 45.000 ha. Theo ngành chức năng, chưa năm nào nông dân trong tỉnh sản xuất vụ lúa đông xuân lớn như năm nay. Mặc dù chính quyền và ngành Nông nghiệp không khuyến khích nông dân sản xuất lúa vụ 3, nhưng vì giá lúa thời gian qua ở mức khá cao (vào thời điểm bà con xuống giống, lúa 5.500-6.000 đồng/kg), nên nhiều người đã bất chấp tất cả, dù có người đã biết trước được khó khăn... Ông Phú Văn Khải, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hòa Bình, cho biết: Vụ sản xuất lúa đông xuân năm nay, hầu hết 100% diện tích đất trong huyện đã được người dân xuống giống. Ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực khuyến cáo về việc lúa vụ 3 sẽ bị sâu bệnh và thiếu nước ngọt (do vào mùa khô), nhưng vẫn không thể ngăn cản được nông dân. Huyện Hòa Bình hiện có diện tích lúa đông xuân cao nhất tỉnh, với 10.000 ha. Chính vì bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn, nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong khi cây lúa đang trong gian đoạn lòng đòng, trổ bông, giai đoạn quyết định cho sự thành, bại của cả vụ mùa. Anh Nguyễn Văn Hùng Em, nông dân xã Vĩnh Mỹ B (Huyện Hòa Bình), than: “Tôi làm có năm công ruộng mà bơm nước cực quá. Lúc trước năm ngày mới bơm một lần, còn bây giờ ngày nào cũng phải bơm, vì nếu không thì lúa sẽ chết khô ...” Dọc theo tuyến đường từ cầu số 2 (huyện Hòa Bình) đến thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) dài gần 30 km, chúng tôi tận mắt chứng kiến để có nước ngọt cho cây lúa, nhiều hộ nông dân đã “liều” đắp các cống ngang tuyến đường liên tỉnh này và đặt máy bơm để bơm nước từ các kênh mương vào ruộng cứu lúa... Tại các huyện như Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai... cũng đang xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong tỉnh còn đáng lo hơn, vì hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang vào giữa mùa khô hạn... Trước tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, thực tế cho thấy, chính quyền và ngành chức năng ở Bạc Liêu chưa tìm ra các biện pháp khắc phục hữu hiệu. Tỉnh chỉ có thể thực hiện các giải pháp “tình thế” như chủ động điều tiết nước mặn, kết hợp với các biện pháp tăng cường chất lượng con giống thủy sản, nhất là giống tôm; khuyến cáo nông dân kỹ thuật cải tạo ao đầm, chọn con giống, cách chăm sóc..., nhằm hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm. Theo ngành nông nghiệp và nhiều nông dân Bạc Liêu, mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt chưa từng có kể từ nhiều năm nay. Nắng nóng đã làm thiệt hại đến hàng ngàn ha tôm nuôi, hàng chục ngàn ha lúa vụ 3 của tỉnh và ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân... Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=171039&sub=127&top=39