Nắng nóng trên cả nước, Nam bộ đề phòng triều cường kết hợp mưa gây ngập

Trong tuần từ 17 - 23.6, miền Bắc tiếp tục có mưa vừa mưa to, do rãnh thấp gió mùa đi ngang qua với các nhiễu động thời tiết xấu, vùng núi có nơi mưa rất to nên sẽ có đợt lũ tiểu mãn trên các sông miền Bắc, mực nước lên nhanh, vùng núi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, cần đề phòng giông mạnh kèm theo tố, lốc, gió giật mạnh. Đợt mưa lớn này kéo dài đến đầu tuần, sau đó mưa giảm, tập trung vào chiều tối và đêm, ngày có lúc hửng nắng.

Trong khi đó, ở miền Trung thời tiết chủ yếu là nắng nóng, mưa rào trên diện hẹp từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lúc chiều tối; còn các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục nắng nóng. Trời khá quang mây nên nắng sớm từ sáng đến chiều, thời gian nắng nóng nhất là từ sau 10 giờ đến 14 giờ với nhiệt độ cao nhất có nơi 36 - 38 o C. Do lượng bốc hơi tăng, ít mưa và độ ẩm thấp hầu hết dưới 60 - 70% nên hanh khô và nguy cơ cháy ở mức cao, cần cảnh giác.

Các tỉnh phía nam mưa có xu hướng giảm trong 3 - 4 ngày tới, ban ngày trời nắng khá mạnh nên giữa trưa oi nóng với nhiệt độ khoảng 33 - 35 o C. Chiều tối vẫn có mưa giông nhưng diện mưa thu hẹp và mưa to chỉ xảy ra vài nơi, trong đó có TP.HCM. Như vậy, đợt hạn bà chằn đầu tiên trong năm nay đang xảy ra nhưng không rõ rệt lắm do gió tây nam vẫn còn mang ẩm vào, chủ yếu là giảm mưa về diện và lượng. Gần cuối tuần sau mưa tăng dần với thời tiết sáng nắng chiều mưa, các tỉnh bắc miền Đông và ven biển có nơi mưa với lượng khá lớn, giông kèm theo sấm sét, gió giật có thể xảy ra sau đợt giảm mưa.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 19.6 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu 1,70 m, tại Châu Đốc 1,72 m, tại Mỹ Thuận (sông Tiền) 1,15 m, tại Cần Thơ (sông Hậu) 1,19 m. Đến gần cuối tháng 6 mực nước sẽ đạt mức cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 1,9 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,85 m, đều cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,35 - 0,5 m. Cần lưu ý có thể mưa diện rộng trùng lúc có triều cường, gây ngập úng trong nội đồng, vì vậy nên khơi thông mương thoát nước để giảm thiệt hại.

Tây nguyên và miền Đông Nam bộ mưa nhiều đầu mùa, gây ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả của cà phê, bơ, sầu riêng. Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cắt tỉa cành và vệ sinh vườn cây nhằm giảm mầm mống gây bệnh hại phát triển khi mùa mưa còn kéo dài.

Sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, giúp cây hấp thu tốt chất dinh dưỡng, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh; đồng thời bón thêm vôi, phun thêm Bortrac nhằm giảm tỷ lệ rụng quả.

Các tỉnh ĐBSCL tiếp tục theo dõi rầy nâu để phát hiện sớm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Các diện tích phải gieo sạ lại vụ hè thu chú ý trong 10 ngày cuối tháng 6 cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để xuống giống né rầy và không bị ngập úng do nước lớn.

Ngoài ra, trong thời gian tới độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và lem lép hạt phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, theo dõi thường xuyên nhằm phòng tránh kịp thời. Bà con làm việc ngoài đồng chú ý khi có giông sét phải lập tức tìm nơi trú ẩn một cách thật an toàn.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nang-nong-tren-ca-nuoc-nam-bo-de-phong-trieu-cuong-ket-hop-mua-gay-ngap-846133.html