Nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam và Ấn Độ

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn như xu thế toàn cầu hóa, hay những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhu cầu hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển trở thành vấn đề chung của cả Ấn Độ và Việt Nam. Việc đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới được coi là một bộ phận quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của cả hai nước.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu) Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ nước ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế hiện nay. Trên cơ sở nền tảng và tình cảm truyền thống hữu nghị đó, ngày nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển tốt đẹp, nhất là sau khi hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 7.2007. Nét mới trong quan hệ chính trị là hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề lớn như: các quan điểm về cải tổ Liên Hợp Quốc; về việc duy trì và phát triển Phong trào Không liên kết. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, ủng hộ Ấn Độ trong việc phát huy vai trò quan trọng của mình và phấn đấu cho một thế giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Việt Nam cũng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực to lớn của Ấn Độ tham gia vào các hoạt động của cộng đồng các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nước thỏa thuận sẽ tiến hành trao đổi thường xuyên về tình hình quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, nhằm phối hợp các hoạt động ngoại giao giữa hai nước trên diễn đàn quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam, phía Ấn Độ luôn khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như tín dụng, sinh học, năng lượng nguyên tử, công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp dầu khí, xây dựng thị trường chứng khoán… Ấn Độ cũng hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ, tăng thêm học bổng hàng năm, trao đổi văn hóa, y tế, kỹ thuật… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tháng 10 năm 2009 ( Ảnh: Tư liệu) Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay là mối quan hệ hợp tác, hữu nghị toàn diện từ chính trị, kinh tế đến văn hóa – xã hội, khoa học - kỹ thuật. Mối quan hệ này luôn được vun đắp và củng cố từ hai phía. Điều này khẳng định tính truyền thống trong quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau không chỉ trong quá trình giành độc lập dân tộc mà còn trong các lĩnh vực hiện nay. Chính phủ và nhân dân hai nước luôn coi trọng quan hệ và hợp tác lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước của mỗi quốc gia Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Ấn Độ (23/2 – 28/2) theo lời mời của chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Meira Kumar. Chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần này của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu cấp cao QH nước ta nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai nước; đồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, văn hóa… Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới, CNH - HĐH, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việt Nam tiến hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập, khẳng định vai trò, vị thế trong khu vực và trên nhiều diễn đàn quốc tế. Việt Nam luôn coi Ấn Độ là đối tác chiến lược và Ấn Độ là nhân tố không thể thiếu trong điều kiện thế giới đang phát triển như hiện nay, tham gia tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam và Ấn Độ coi quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không chỉ vì lợi ích của hai nước mà còn vì hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, vì sự ổn định và phát triển xã hội. Đó cũng chính là phương hướng cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới để đảm bảo mối quan hệ song phương hữu nghị./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390404&co_id=30094