NASA sẽ dùng rác không gian để xây trạm vũ trụ?

NASA đã khởi động một kế hoạch để xây trạm vũ trụ từ các mảnh rác không gian đang tồn tại trong quỹ đạo.

Hợp đồng trị giá 10 triệu USD mà NASA đã ký với các công ty tên lửa sẽ thúc đẩy nghiên cứu khả năng biến các bộ phận của tên lửa đẩy trở thành những phòng thí nghiệm mới cho trạm không gian với sự hỗ trợ của các phi hành gia.

Thông thường các bộ phận của tên lửa đẩy sau khi sử dụng sẽ rơi lại trái đất và bị đốt cháy trong khí quyển. Tuy nhiên, một số mảnh còn lại thành rác vũ trụ trong một thời gian dài trước khi rơi vào khí quyển.

Được biết, ý tưởng tái chế các tầng của tên lửa đẩy thành trạm không gian không phải là mới. Từ những năm 1970, NASA đã lên kế hoạch sử dụng ý tưởng này để chế tạo Skylab, trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ.

Ảnh minh họa về rác không gian còn tồn tại trong quỹ đạo.

Khi đó, nhà khoa học Wernher von Braun đã đề xuất tách phi hành đoàn và các bộ phận của trạm không gian ra trên hai tên lửa đẩy Saturn IB được phóng lên cùng một ngày. Quyết định này được đưa ra để giải quyết việc tên lửa đẩy của Mỹ khi đó không đủ sức mạnh để đưa các thiết bị và phi hành đoàn lên không gian trong một lần.

Khi hai tên lửa bay vào quỹ đạo, các phi hành gia sẽ xả hết nhiên liệu còn lại trong buồng chứa hydrogen của tên lửa, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ sự sống và biến nó thành một phần của trạm không gian. Hành động này đã tái sử dụng một buồng nhiên liệu vốn sẽ bị loại bỏ. Dù vậy, ý tưởng của nhà khoa học von Braun bị gác lại do sự nghi ngại về việc hành động này quá nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện tại NASA đang muốn sử dụng ý tưởng đã 50 năm tuổi này vì tính tiết kiệm của nó khiến các nhà khoa học cảm thấy bị hấp dẫn.

Phong Lâm (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nasa-se-dung-rac-khong-gian-de-xay-tram-vu-tru-d123526.html