NATO ngán gây thêm chuyện với Nga?

Chủ tịch châu Âu lên tiếng chỉ trích lời kêu gọi của Mỹ với NATO về việc gia tăng ngân sách quốc phòng ngay sau đe dọa từ Nga.

Chủ tịch châu Âu chỉ trích Mỹ

Ngày 17/2, tờ RT dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bên lề hội nghị an ninh Munich hôm thứ 4 (15/2) bày tỏ sự không hài lòng với lời kêu gọi của Mỹ gia tăng ngân sách quốc phòng gửi đối tác NATO.

Theo ông Juncker, vấn đề tăng ngân sách quốc phòng là điều mà người Mỹ đã nói trong nhiều năm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề nghị các Bộ trưởng Quóc phòng NATO không nên bị đẩy vào việc này.

“Tôi cho rằng, những người bạn Mỹ đang thu hẹp định nghĩa về an ninh khi cho rằng, điều này chỉ có thể đạt được nhờ tăng ngân sách quốc phòng. Chính trị hiện đại không chỉ là vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng vẫn còn nhiều yếu tố khác như sự phát triển hợp tác hay hỗ trợ nhân đạo”, ông Jucker nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Jucker cũng cho rằng khái niệm an ninh không thể chỉ thu hẹp trong lĩnh vực quân sự.

Chủ tịch châu Âu Jucker chỉ trích lời kêu gọi của Mỹ gia tăng ngân sách quốc phòng gửi đối tác NATO.

“Tôi cương quyết chống lại việc chúng ta đã cho phép mình bị đe dọa. Châu Âu phải chi tiêu quốc phòng tốt hơn và hiệu quả hơn”, ông Jucker nói thêm.

Lời chỉ trích của Chủ tịch Ủy ban châu Âu được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis kêu gọi các nước trong khối NATO tăng chi tiêu quốc phòng nếu họ muốn Hoa Kỳ không giảm cam kết.

Phát biểu ngày 15/2 trong chuyến thăm Brussels đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Mattis đã chỉ trích các thành viên NATO đã bỏ qua các mối đe dọa, trong đó có các mối đe dọa từ Nga.

“Nếu các nước đồng minh không đáp ứng các cam kết của NATO về chi tiêu quân sự, Mỹ sẽ rút lại các cam kết của mình”, ông Mattis nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng các thành viên NATO cần dành ra 2% tổng sản lượng kinh tế cho quốc phòng và trong năm 2017 họ cần thông qua một kế hoạch với thời gian cụ thể cho kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng.

NATO ngán ngẩm Nga?

Đây không phải là lần đầu tiên ông Juncker lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Còn nhớ vào hồi tháng 11/2016, ông Juncker không ngần ngại chỉ trích ông Trump là người không có kinh nghiệm về chính trị đồng thời kêu gọi toàn thể châu Âu hợp sức dậy cho Washington châu Âu là gì và có khả năng như thế nào.

Tuyên bố trên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào thời điểm này dường như không quá bất ngờ. Những động thái gần đây cho thấy NATO đang khá dè chừng đối với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

Trong một phát biểu được đưa ra mới đây, ông Juncker từng đặt hàng loạt câu hỏi: Châu Âu sẽ phải làm gì với nước Mỹ dưới thời ông Trump? NATO sẽ hoạt động như thế nào trong một châu Âu tự lực?

Rõ ràng với vị thế hiện nay của Nga, việc NATO phải thận trọng là điều hết sức bình thường

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cá nhân ông Juncker và các thành viên thuộc khối NATO tỏ ra thờ ơ với đề nghị của Hoa Kỳ là do những khó khăn trong vấn đề tài chính.

Thực tế là, chính sách của NATO quy định rằng, quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng. Tuy nhiên trong năm 2015, chỉ có 5 nước đạt được chỉ tiêu này, bao gồm Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Trong đó, Mỹ trích 3,62% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Như vậy, vào thời điểm này, gia tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên sẽ tăng lên. Ở một khía cạnh nào đó, các nước thuộc NATO không muốn hoặc không có khả năng trích thêm GDP để đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.

Nguyên nhân thứ 2 được chỉ ra, đó là bản thân NATO cũng đang dè chừng trước lời cảnh cáo từ phía điện Kremlin.

Điều này không phải không có cơ sở khi lời cự tuyệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu với Mỹ trùng với thời điểm ông Alexander Grushko, đại sứ Nga tại NATO lên tiếng cảnh báo việc NATO tăng chi tiêu quốc phòng có thể dẫn tới việc khối này tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự tại Biển Đen cũng như các khu vực ngay sát biên giới Nga, điều sẽ đưa quan hệ Moskva- NATO trở lại thời chiến tranh lạnh.

“Điều nguy hiểm là ở chỗ việc tăng chi tiêu sẽ kéo theo việc NATO mua sắm vũ khí. Nếu kế hoạch này được thực hiện, Nga sẽ thấy mình giống như đang ở trong tình trạng Chiến tranh Lạnh, khi đó chúng tôi sẽ buộc phải tăng cường để sẵn sàng đáp trả”, ông Grushko nhấn mạnh.

Hơn nữa, hiện nay Nga là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân vô cùng lớn, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ nước này không bị xâm phạm từ khối NATO.

Các thống kê cho thấy Nga đang giữ nhiều kỷ lục khi sở hữu đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới cũng như vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga được xếp vào hạng tiên tiết nhất thế giới.

Điển hình như, Moskva sở hữu 508 trên lửa chiến lược đã triển khai. Tổng cộng, những tên lửa nay mang 1.796 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nga chỉ sở hữu 1.367 đầu đạn hạt nhân trên 681 tên lửa.

Rõ ràng sức mạnh quân sự của Nga thực sự trở thành nỗi ám ảnh và đe dọa trực tiếp không chỉ Mỹ và bản thân cả các quốc gia NATO. Do đó việc thận trọng vào thời điểm này của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là hoàn toàn dễ hiểu.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-ngan-gay-them-chuyen-voi-nga-3329379/